Theo dự báo của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2024, thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại khi đầu tư công và đầu tư tư nhân dự kiến sẽ khởi sắc. Đặc biệt, chính sách cải cách tiền lương của Chính phủ trong năm 2024 cũng tạo sức mua lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, bộ này cũng khẳng định những thách thức trong năm 2024 là không nhỏ khi thế giới có những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự.
"Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực sau tết; hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ…”- Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
Thêm vào đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, sản xuất gỗ.... ngay sau tết. Từ đó có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động.
“Song song đó, bộ cũng sẽ chỉ đạo các tỉnh tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm… Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động…”- Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cho biết năm 2024, ngành sẽ tiếp tục tập trung rà soát, nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa… để thăm hỏi, quan tâm, kịp thời hỗ trợ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống dân sinh.
Về chính sách đối với người lao động trước tết, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn cùng phối hợp với doanh nghiệp và toàn xã hội đồng hành cùng tổ chức hỗ trợ, chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động với nhiều hoạt động phong phú; hỗ trợ cho gần 7,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…. Với tổng số tiền thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động các cấp là hơn 4.200 tỉ đồng.
Một số doanh nghiệp đã có các hình thức hỗ trợ cụ thể, thiết thực để công nhân về quê ăn Tết an toàn, vui vẻ như tặng quà, tặng tiền mặt, phiếu mua hàng, vé tàu xe, bố trí xe đưa đón về quê, hỗ trợ miễn phí bảo dưỡng xe máy trước khi công nhân đi về quê…
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch nước đã tặng quà cho hơn 1,4 triệu người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 500 tỉ đồng.
Chính quyền địa phương các cấp cũng tích cực, chủ động bố trí ngân sách hoặc vận động nguồn lực xã hội tặng quà tết cho người có công với cách mạng. Trong đó, TP.HCM đã tặng quà cho 415.923 lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 457 tỉ đồng; Hà Nội tặng quà cho 328.444 lượt đối tượng với tổng kinh phí trên 256 tỉ đồng; Quảng Ninh tặng quà cho 226.877 lượt đối tượng với tổng kinh phí 116 tỉ đồng…
Tổng các nguồn kinh phí hỗ trợ, tặng quà Tết cho người có công với cách mạng và thân nhân người có công khoảng 2.705 tỉ đồng.