Trong khi đó, áp lực lạm phát vẫn còn, các hoạt động đầu tư, tiêu dùng còn gặp nhiều khó khăn. Những diễn biến này sẽ tiếp tục tạo ra nhiều thách thức, áp lực đối với điều hành chính sách tiền tệ và nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Định hướng chính sách tiền tệ tạo nền móng tốt cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Trong tuyên bố đầu năm mới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định chính sách tiền tệ sẽ được điều hành theo hướng linh hoạt, chủ động ngay từ những tháng đầu năm. Đồng thời, bám sát các diễn biến của thị trường trong năm để có những ứng phó phù hợp.
Theo Phó Thống đốc, tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do một số nguyên nhân như tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Khả năng hấp thụ tín dụng của thị trường bất động sản suy giảm, trong khi dư nợ tín dụng bất động sản chiếm trên 21% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu…) khó khăn do một số tập đoàn, doanh nghiệp phát hành, sử dụng trái phiếu không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Cuối cùng, sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay.
Phó Thống đốc tái khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm 2024 nhưng có những điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Ngành Ngân hàng cũng tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỉ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền...
6 trọng tâm chính sách thúc đẩy kinh tế trong năm 2024
Trong cuộc phỏng vấn với báo chí vào đầu năm mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng có những nhận định riêng về tình hình kinh tế Việt Nam và định hướng chính sách năm 2024.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đan xen với thuận lợi, thời cơ nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Về thuận lợi, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm đổi mới. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục ứng phó, thích ứng hiệu quả với những khó khăn, thách thách mới, nhất là những vấn đề bất ngờ phát sinh.
Cũng theo Bộ trưởng, khoảng 1.900 km đường cao tốc, trong đó riêng năm 2023 là 475 km đường cao tốc, các tuyến đường ven biển, liên vùng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương.
Đồng thời, hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế là điểm sáng nổi bật, đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo ngại trong năm 2024 rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị-kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, "điểm nóng" khó lường, đe dọa đến môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tuyên bố sáu trọng tâm chính sách lớn để đảm bảo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt mục tiêu.
Thứ nhất, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Chủ động tham mưu, ban hành và thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại... để hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực.
Thứ hai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Thứ ba, thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới.
Thứ tư, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Thứ năm, tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhất là các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thứ sáu, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Kinh tế Việt Nam 2024: Khởi đầu hanh thông, xuất khẩu tăng mạnh 42%
(PLO)- Phân tích của ngân hàng HSBC Việt Nam cho thấy sự phục hồi của ngành xuất khẩu sẽ không chỉ gói gọn trong ngành điện tử mà nhiều ngành nghề khác như đồ gỗ, dệt may...