Trong bài đăng ngày 12-2, Viện Nghiên cứu khoa học pháp y Kiev khẳng định các mảnh vỡ được thu hồi sau cuộc tấn công ngày 7-2 vào thủ đô Ukraine cho thấy quân đội Nga đã sử dụng tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon.
"Các dấu hiệu trên các bộ phận và mảnh vỡ, việc xác định các thành phần và bộ phận cũng như đặc điểm của loại vũ khí liên quan" cho thấy lần đầu tiên tên lửa Zircon được sử dụng trong chiến đấu, viện này viết trên mạng Telegram kèm theo một đoạn video cho thấy hàng chục mảnh vỡ được cho là của tên lửa mới.
Trong cuộc tấn công ngày 7-2, chính quyền Ukraine cho biết 4 người đã thiệt mạng và 38 người khác bị thương ở Kiev, nhưng không có thương vong nào được cho là trực tiếp do tên lửa Zircon.
Báo cáo của Ukraine không đề cập đến bệ phóng tên lửa mặc dù trước đó trên truyền thông nhà nước Nga cho rằng nó đã được phóng từ một tàu chiến.
Các chuyên gia cho rằng tên lửa Zircon sẽ là vũ khí đáng gờm của Nga. Theo thông tin từ Matxcơva, loại tên lửa này có tầm bắn 1.000km và tốc độ gấp 3 lần âm thanh.
Trong khi đó, Liên minh ủng hộ phòng thủ tên lửa có trụ sở tại Mỹ (MDAA) cho biết tên lửa này có thể đạt vận tốc Mach 8, tương đương gần 9.900km/h.
Tốc độ khủng khiếp này khiến nó trở nên bất khả xâm phạm trước cả những hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất của phương Tây, như Patriot.
"Nếu thông tin đó là chính xác, tên lửa Zircon sẽ là loại nhanh nhất thế giới, khiến nó gần như không thể phòng thủ", MDAA nhận định.
Ngoài ra, "trong quá trình bay, tên lửa được bao phủ hoàn toàn bởi một đám mây plasma có khả năng hấp thụ mọi tia tần số vô tuyến và khiến tên lửa trở nên vô hình trước radar. Điều này cho phép tên lửa không bị phát hiện trên đường bắn tới mục tiêu", MDAA cho biết thêm.
Trước đó, Nga cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm tên lửa Zircon vào tháng 6-2022 và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả Zircon là một phần của thế hệ hệ thống vũ khí vô song mới.
Khi tàu khu trục hải quân Nga Admiral Gorshkov bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu vào tháng 1-2023, ông Putin đã khoe về tên lửa Zircon trên tàu. Tên lửa Zircon ban đầu được thiết kế như để phóng từ trên biển và phiên bản phóng từ mặt đất được phát triển sau đó.
Nếu việc sử dụng tên lửa Zircon ở Ukraine được xác nhận, loại vũ khí này có thể đặt ra thách thức bổ sung cho hệ thống phòng không của nước này trong bối cảnh viện trợ quân sự của phương Tây trong tương lai không còn chắc chắn.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích phương Tây cảnh báo không nên phóng đại tác động của việc sử dụng Zircon đối với toàn bộ cuộc chiến.
"Điều cần cân nhắc chính là khả năng của Nga trong việc sản xuất và triển khai năng lực như tên lửa Zircon trên quy mô lớn, đặc biệt khi chương trình này sẽ cạnh tranh về tài chính và các nguồn lực khác với những ưu tiên như củng cố lực lượng mặt đất của Nga", Đài CNN dẫn lời nhà nghiên cứu người Anh Sidharth Kaushal đánh giá.
Thượng viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đạt đủ số phiếu thông qua gói hỗ trợ hàng tỉ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan. Nhưng Hạ viện khẳng định sẽ không chấp nhận.