Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản có thời điểm vượt mốc 38.000 điểm trong phiên giao dịch hôm nay, tăng hơn 3% - lần đầu tiên kể từ khi bong bóng tài sản vỡ năm 1990. Tại thị trường Toyo, Topix Index tăng 2,12% lên 2.612,03 điểm, cũng ở mức cao nhất trong 34 năm.
Các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương hầu hết đều tăng trong phiên giao dịch hôm nay, khi nhiều thị trường quay trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bao gồm Hàn Quốc và Singapore.
Chỉ số giá hàng hóa của Nhật Bản đã tăng 0,2% trong tháng 1, vượt qua mức dự báo 0,1% của Reuters. Mức tăng này tương đương với số liệu điều chỉnh của tháng 12 năm trước.
Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc cũng giữ sắc xanh, tăng 1,12% khi quay lại giao dịch và đóng cửa ở mức 2.649,64, trong đó Kosdaq tăng 2,25%.
Bên kia bán cầu, chứng khoán Mỹ cũng kết thúc phiên giao dịch đầu tuần với mức kỷ lục mới.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 125,69 điểm (0,33%) lên 38.797,38 điểm - xác lập mức kỷ lục mới của chỉ số này. Thứ Sáu tuần trước, S&P 500 lần đầu tiên đóng cửa trên 5.000 điểm - đỉnh lịch sử mới.
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đang tiến tới tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp, với S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 1,4% và 2,3% vào tuần trước. Tính từ đầu năm, S&P 500 đã tăng hơn 5%.
"Mặc dù chứng khoán Mỹ đang đi lên nhờ tin tức tích cực, nhưng chúng tôi tin rằng đà tăng đã được hỗ trợ tốt", Mark Haefele, giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, cho biết.
Các nhà giao dịch đang hướng sự chú ý tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát quan trọng sẽ được công bố hôm nay. Nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng dự kiến được đưa ra trong tuần này, bao gồm số liệu tháng 1 về doanh số bán lẻ, sản xuất, xuất nhập khẩu, số lượng nhà ở mới và chỉ số giá sản xuất (PPI).
"Fed đã nhấn mạnh rằng họ cần thấy 'niềm tin lớn hơn' vào dữ liệu lạm phát để bắt đầu chu kỳ cắt giảm. Chúng tôi nghĩ rằng một phần niềm tin mà Fed đang tìm kiếm sẽ xuất hiện", Meghan Swiber, chiến lược gia của Bank of America, viết trong báo cáo gửi nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đà tăng mạnh mẽ của thị trường trong ba tháng qua làm dấy lên lo ngại về khả năng xuất hiện nhịp điều chỉnh. Theo Bespoke Investment Group, S&P 500 hiện đã trải qua hơn 70 ngày giao dịch mà không giảm quá 2%.
Minh Sơn (theo CNBC)