“Quyết định hôm nay, phù hợp với quan điểm của G7, giúp làm rõ tình trạng pháp lý của các khoản thu do các cơ quan lưu ký chứng khoán trung ương (CSD) tạo ra liên quan đến việc thu giữ tài sản bị phong tỏa của Nga và đặt ra các quy tắc rõ ràng cho các đơn vị quản lý chúng”, Hội đồng Liên minh châu Âu cho biết hôm 12/2 sau khi EU thông qua một luật mới dành riêng cho khối tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga.
Việc EU thông qua một luật mới liên quan tới khối tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga đồng nghĩa với việc các cơ quan lưu ký chứng khoán trung ương (CSD), như Euroclear, sẽ bị cấm sử dụng lợi nhuận ròng và phải tách biệt doanh thu từ tài sản của Nga.
Luật này áp dụng cho các tổ chức nắm giữ hơn 1 triệu euro (1,1 triệu USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga.
EU và Nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7) đã phong tỏa khoảng 300 tỷ euro (323 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Từ đó tới nay, cả EU và G7 đã nhiều lần tranh luận về cách xử lý khối tài sản này.
Trong đó, Mỹ đã đề xuất tịch thu toàn bộ số tiền này. Tuy nhiên, theo các quan chức EU, ý tưởng này có nhiều rủi ro về mặt pháp lý.
Được biết, EU đang kiểm soát khoảng 2/3 khối tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga, phần lớn số tiền đó do cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ nắm giữ. Cho đến nay, EU mới sử dụng khoản thuế đánh vào các tài sản ở Bỉ cho một quỹ dành riêng cho Ukraine.
Thông qua luật mới, EU ước tính sẽ mang về khoảng 15 tỷ euro (16,17 tỷ USD) lợi nhuận cho Ukraine trong 4 năm tới. Ngoài ra, EU đã đồng ý phân bổ 50 tỷ euro (53,89 tỷ USD) viện trợ cho Kiev.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hoan nghênh thông báo này. Trên mạng xã hội X (trước là Twitter), ông chia sẻ: "Chúng tôi hoan nghênh các bước đi tiếp theo đề hiện thực hóa việc sử dụng nguồn tài chính trên vì lợi ích của Ukraine".
Điện Kremlin hiện chưa lên tiếng về thông tin này. Trước đó, Moskva từng nói rằng bất kỳ nỗ lực nào sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp để gây quỹ cho Ukraine đều bị coi là bất hợp pháp và sẽ dẫn tới các cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm.
Xem thêm: nhc.480808521312042881-eniarku-ort-oh-aot-gnohp-ib-agn-nas-iat-yal-hcaoh-ek-ohc-gnoud-om-ue/nv.fefac