Việt Nam là quốc gia nông nghiệp. Sự đa dạng về địa hình, khí hậu, đất đai trải dài theo 6 vùng kinh tế đã tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, hương vị, mùa vụ. Nhiều ngành hàng đã tham gia thị trường xuất khẩu hàng chục năm đứng vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng như gạo, cà phê, hạt điều, tôm.
Fairprice Xtra là chuỗi siêu thị lớn hàng đầu ở Singapore. Ngoài cá mú, siêu thị này còn bán nhiều sản phẩm hải sản khác đến từ Việt Nam như cá hồng vua, cá hồng trắng, tôm sú hay cá basa. Theo ước tính của công ty nhập khẩu, tỷ lệ hàng hải sản có nguồn gốc từ Việt Nam đang chiếm khoảng 25 - 30%.
Ông Kenneth Chia - Giám đốc điều hành, The Seafood Company - cho biết: "Tôm sú cũng là một mặt hàng chúng tôi đang tăng nhập khẩu từ Việt Nam dù giá có cao hơn chút so với thị trường".
Là một mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được ưa chuộng tại Singapore nhưng điều đáng nói là đến giờ Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu thủy sản nào được nhận diện tại các siêu thị. Sản phẩm cá mú flie trong một siêu thị nhập từ Việt Nam nhưng đang mang thương hiệu của công ty nhập khẩu.
Ông Cao Xuân Thắng - Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore - cho biết: "Không chỉ hải sản, một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam chúng ta vẫn phải OEM cho các thương hiệu lớn của thế giới. Điều này làm tiết kiệm chi phí marketing cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận với thị trường ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tính toán đến phương án để xây dựng thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam ở thị trường nước ngoài".
Còn tại Pháp, gạo, trái cây và nhiều mặt hàng khác của Việt Nam đã vào được hệ thống đại siêu thị như Carrefour, Le Clerc, Super U... Điều này cũng có nghĩa chất lượng phải vượt qua hàng rào kiểm định, còn sản lượng phải đủ lớn để phục vụ cho một hệ thống cung cấp khổng lồ. Nhưng có một thực tế là hàng Việt Nam chưa phải thực phẩm mạnh ở Pháp.
Gạo Việt đứng sau gạo Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia bởi xuất hiện muộn hơn. Rau củ quả đứng sau các nước Nam Âu và Bắc phi vì giá thành cao do vận chuyển.
Ông Franz Crohet - Giám đốc siêu thị Carrefour Pontault-Combault, Paris, Pháp - cho biết: "Mối quan tâm của người tiêu dùng với sản phẩm Việt Nam là người ta sẽ tìm kiếm ở siêu thị những gì đã thấy ở nhà hàng. Ví dụ như món phở, sau khi ăn ở nhà hàng thì người ta sẽ muốn tìm nó ở siêu thị để dùng hàng ngày".
Rõ ràng việc tạo một trào lưu văn hoá ẩm thực Việt Nam trên thế giới là đòn bẩy quan trọng, điều mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm được. Ngay tại các siêu thị của người Việt Nam, hàng Nhật và Hàn Quốc vẫn không thể thiếu.
Chị Lusien - khách hàng Pháp - cho biết: "Với nông sản Việt Nam, có những sản phẩm tháng này tôi thấy có trên kệ hàng nhưng đến tháng sau lại không thấy nữa, sự ổn định là điều rất cần thiết để người tiêu dung nhớ".
Thực trạng sức mạnh ngành hàng
Dù nông sản Việt đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới nhưng sự nhận diện của người tiêu dùng toàn cầu về nông sản Việt còn khá mờ nhạt.
Ví dụ như cà phê, Việt Nam đứng thứ nhì thế giới về sản lượng nhưng ngay tại Việt Nam cà phê Việt vẫn đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu cà phê quốc tế.
80% nông sản xuất khẩu thô không có thương hiệu vẫn là câu chuyện cũ được nhắc lại để thấy rằng vị thế một nước xuất khẩu lớn cần phải được định vị lại.
Hành trình thay đổi để chinh phục thị trường
Sức mạnh ngành hàng sẽ tạo nên sức mạnh vị thế của nông nghiệp. Trên cơ sở này, có không ít doanh nghiệp đã dấn thân vào hành trình thay đổi đưa Việt Nam ngày càng có vị trí cao hơn trên bản đồ nông nghiệp thế giới.
Từ biên giới với Việt Nam, những container sầu riêng vận chuyển về đến chợ đầu mối Giang Nam của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chỉ mất chưa tới 24 tiếng. Gần gũi về khoảng cách địa lý luôn là lợi thế lớn của hàng hoá Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Từ đòi hỏi của thị trường, năm 2023 là dấu mốc quan trọng cho thấy hành trình thay đổi của mặt hàng sầu riêng khi đạt kim ngạch tỷ đô chỉ trong 7 tháng. Đây là kết quả của những nỗ lực đáp ứng xuất khẩu chính ngạch của doanh nghiệp và nông dân.
Cùng với chuẩn hóa vùng nguyên liệu, những nhà máy quy mô cũng đã được xây dựng. Việc kiểm soát đầu vào được thực hiện nghiêm ngặt ngay từ khâu nhập hàng về nhà máy. Hàng về đến đâu, vệ sinh xịt khuẩn được thực hiện đến đó, ngay cả giữa đêm.
Công đoạn phân loại trái ra từng phân khúc. Hàng loại A từ 2,5kg đến 8kg. Hàng loại B từ 1,8kg đến 5kg. Những trái tương đương kích cỡ sẽ được đóng vào một hộp là thay đổi quan trọng để đáp ứng yêu cầu từ Trung Quốc. Từ đây, sầu riêng Ri6 của Việt Nam đang từng bước tạo ra ưu thế cạnh tranh với Monthong của Thái Lan, Musang King của Malaysia.
Sản xuất quanh năm là lợi thế ít quốc gia nào có được và sản lượng cây có trái thu hoạch sẽ tăng mạnh theo từng năm. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam có thể đạt hơn 3,5 tỷ USD. Dư địa nâng giá trị còn rất lớn khi Việt Nam cũng đang đàm phán để xuất khẩu sầu riêng cấp đông. Chinh phục hàng chục thị trường nhờ chất lượng và đa dạng sản phẩm đã đưa sầu riêng trở thành trái cây át chủ bài của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.42922139041204202-et-couq-gnah-ek-nert-neib-ohp-man-teiv-nas-gnon/et-hnik/nv.vtv