Đến dự chương trình có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Kim Yến…
Sáng mãi hào khí cờ đào
Đêm sân khấu hóa kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử có chủ đề Sáng mãi hào khí cờ đào.
Chương trình do Ban tổ chức các ngày lễ lớn TP.HCM tổ chức, Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố thực hiện. Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy. Kịch bản: Lâm Viên. Đạo diễn: NSND Hữu Quốc - Dương Thảo.
Phát biểu trong chương trình, bà Trần Kim Yến - chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - đã ôn lại thời điểm cách đây 235 năm, khi quân Thanh đem binh sang xâm lược nước ta.
Trong tình thế đó Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung rồi tiến quân ra Bắc.
Bà Yến nhấn mạnh: "Bằng nghệ thuật chuyển quân thần tốc, chiến thuật quân sự tài tình cùng sự hợp sức của nhân dân, chỉ trong 5 ngày hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng đội quân áo vải cờ đào đã đánh tan lực lượng quân Thanh.
Giành lại Kinh thành Thăng Long, giữ vững sự tồn tại của nước Đại Việt trước họa xâm lăng, viết tiếp trang sử vàng về tinh thần dựng nước và giữ nước của dân tộc".
Bà Yến bày tỏ chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đánh dấu một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc.
Chiến thắng đỉnh cao của phong trào Tây Sơn được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của những người nông dân chân lấm tay bùn cùng với ý chí độc lập tự chủ của cả dân tộc.
Chứng minh thiên tài quân sự kiệt xuất và độc đáo của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đồng thời phản ánh trình độ phát triển mới của chiến tranh cứu nước và nghệ thuật quân sự của Việt Nam.
Là niềm tự hào của dân tộc ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Hừng hực khí thế Tây Sơn
Phần sân khấu hóa được chia thành bốn chương. Chương 1: Tiếng trống Tây Sơn, chương 2: Lời hiệu triệu nước non, chương 3: Thăng Long mùa xuân đại thắng và chương 4 là Đất nước vạn mùa xuân.
Khởi đi với hình ảnh cây tre gắn liền với người dân áo vải, dưới cờ đào chống quân xâm lược. Tre vươn lên như hào khí Việt, tinh thần, bản sắc Việt.
Để từ đó, chương trình đi qua các ca cảnh, võ nhạc, tổ khúc, hoạt cảnh… để giới thiệu đến người xem câu chuyện về ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Hình ảnh Tây Sơn tụ nghĩa với 12 vị tướng tài ba, trọn đời theo Nguyễn Huệ để xây dựng cơ đồ.
Rồi trận Rạch Gầm - Xoài Mút dậy sóng được tái hiện. Uy thế của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ khiến ông có mối duyên với công chúa Ngọc Hân.
Và trong tình thế đất nước nguy cấp, vâng theo mệnh trời, hợp lòng dân Nguyễn Huệ đã lên ngôi hoàng đế, tiến quân ra Bắc và đã tạo nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang dội trong lịch sử.
Kép trẻ Võ Minh Lâm đã được chọn đảm nhiệm nhân vật Nguyễn Huệ thời trẻ đến khi kết hôn với công chúa Ngọc Hân.
Còn nghệ sĩ kỳ cựu Kim Tử Long vào vai Quang Trung - Nguyễn Huệ giai đoạn sau.
Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thể hiện hình ảnh Nguyễn Huệ trong một ca khúc.
Mỗi người mỗi vẻ góp phần tôn vinh hình ảnh người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Người biết dùng tài năng, đức độ, biết thâu phục nhân tâm và phát huy sức mạnh nhân dân để tạo nên chiến thắng vẻ vang.
Một dấu son không phai về tinh thần chống quân xâm lược, giữ yên bờ cõi quê hương.
Tối 13-2, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đã diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2024) với chủ đề Hào khí Tây Sơn.