"Quái ngư" châu Phi
Sông Nile dài khoảng 6.853km chảy qua 11 quốc gia châu Phi bao gồm Tanzania, Uganda, Rwanda, Burundi, Cộng hòa dân chủ Congo, Kenya, Ethiopia, Eritrea, Nam Sudan, Sudan và Ai Cập là dòng sông dài nhất thế giới. Con sông này là nơi cư trú của nhiều loài thực vật và động vật độc đáo.
Đặc biệt, bên dưới làn nước của sông Nile có một loài "quái ngư" được gọi là cá rô sông Nile. Loài cá này có tên khoa học Lates niloticus, còn gọi là cá Mbuta ở châu Phi, là một loài cá nước ngọt thuộc họ Latidae trong bộ Perciformes (Cá vược). Chúng được tìm thấy khá phổ biến trong vùng sinh thái Afrotropic, nguồn gốc ở sông Congo, sông Nile, sông Sénégal, sông Niger, hồ Tchad, hồ Volta, hồ Turkana và những sông khác.
Cá rô sông Nile có miệng lớn với thân hình thon dài có màu xanh lá cây hoặc nâu ở trên và màu bạc ở bụng với một chút màu xanh lam. Con cái thường lớn hơn con đực. Nó cũng có đôi mắt đen sẫm đặc biệt được bao quanh bởi các vòng màu vàng sáng. Cá rô sông Nile có đuôi tròn (lồi) và hai vây lưng. Một trong các vây lưng có 7 hoặc 8 gai cứng trong khi vây còn lại có 1 hoặc 2 gai và một số tia mềm, phân nhánh. Đỉnh đầu của cá lõm xuống và có hàm dưới nhô ra. Cá rô sông Nile có bề ngoài tương tự như họ hàng gần của nó, cá chẽm.
Loài cá này thành thục sinh dục khi được 6 tuổi, thường sống lâu nhất là 8 năm hoặc 16 tuổi. Chúng sinh sản khá sung mãn và không chỉ đẻ nhiều lần trong một năm mà còn có khả năng sản xuất tới 16 triệu trứng cùng một lúc.
Theo trang Sohu, một con cá rô sông Nile trưởng thành có thể dài tới 2 mét và nặng hơn 200kg. Chúng là loài cá rất hung dữ. Ngay cả khi mắc câu, nó vẫn rất khỏe và sẽ liên tục nhảy lên khỏi mặt nước để cố gắng thoát khỏi lưỡi câu.
Cá rô sông Nile là loài cá ăn thịt, nó thường săn những loài cá khác hoặc những con nhỏ hơn mình. Con non thích ăn động vật phù du, côn trùng, nghêu, tôm và ốc. Điều thú vị hơn là nó không chỉ lớn nhất ở sông Nile mà còn là loài cá nước ngọt lớn nhất châu Phi!
Suýt tuyệt chủng vì nhu cầu từ Trung Quốc
Mặc dù có nguồn gốc từ hầu hết Tây, Trung và Đông Phi, cá rô sông Nile là một loài xâm lấn ở nhiều lưu vực sông châu Phi khác. Do sự du nhập gần đây của nhiều hồ và sông không phải bản địa khác, nó hiện được công nhận là một loài xâm lấn nguy hiểm. Theo nhóm chuyên gia về loài xâm lấn của Liên minh Bảo tồn Thế giới, nó được coi là một trong 100 loài xâm lấn tồi tệ nhất trên thế giới.
Theo trang Guardian, hiện nay, số lượng loài cá rô sông Nile suy giảm nghiêm trọng do bị đánh bắt quá đà. Kích thước của các con cá bắt được cũng giảm đi rất nhiều so với trước. Một phần lý do của sự sụt giảm này đến từ Trung Quốc, nơi nhu cầu dành cho bong bóng cá là rất cao. Nhiều thương lái Trung Quốc thậm chí còn cho vay vốn để người dân địa phương đóng thuyền, mua dụng cụ khai thác bong bóng cá cho họ.
Bởi người Trung Quốc coi bong bóng cá là nguồn cung cấp collagen tốt nhất. Bong bóng cá rô sông Nile được sử dụng để chế biến món súp hoặc hầm. Điều này khiến cho giá của cá rô sông Nile tại hồ Victoria tăng đột biến, từ 2 USD/cân năm 2000 lên gấp đôi vào năm 2005. Giá thị trường của bong bóng cá rô sông Nile dao động từ 450 - 1.000 USD/kg.
*Nguồn: Sohu, The Guardian.