Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, từ ngày 5.3 đến ngày 29.4, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), cùng chồng là Chu Lập Cơ (68 tuổi) và 84 bị cáo khác trong vụ án.
5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan
86 bị cáo bị đưa ra xét xử về một trong các tội danh “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Phiên tòa do chánh tòa hình sự Phạm Lương Toản làm chủ tọa. Viện KSND tối cao phân công 10 kiểm sát viên thuộc Viện KSND tối cao và Viện KSND TP.HCM sẽ giữ quyền công tố tại tòa.
Vụ án Vạn Thịnh Phát: Tiếp nhận 6 tấn hồ sơ, gần 1 triệu bút lục
Bị hại trong vụ án là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và bị cáo Trương Mỹ Lan.
Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan là bị hại liên quan đến hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", khi đại gia Nguyễn Cao Trí bị cáo buộc chiếm đoạt của bà Lan 1.000 tỉ đồng.
Theo danh sách các luật sư bào chữa cho 86 bị cáo, thì riêng bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư (LS) bào chữa gồm: LS Phan Trung Hoài, LS Phan Minh Hoàng, LS Nguyễn Huy Thiệp, LS Giang Hồng Thanh, LS Trương Thanh Đức.
Gây thiệt hại cho SCB gần 484.000 tỉ đồng
Ngày 13.12.2023, Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng truy tố ra trước TAND TP.HCM để xét xử đối với 86 bị cáo. Trong đó, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc 3 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo cơ quan tố tụng, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành "đế chế" Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp lớn và nhỏ, trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì họat động "hệ sinh thái" doanh nghiệp khổng lồ này, bà Lan tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng này thành "công cụ" tài chính của mình.
Thông qua chiêu trò thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bà Trương Mỹ Lan sở hữu tới hơn 91,5% cổ phần SCB. Với tỷ lệ cổ phần gần như tuyệt đối, cộng thêm việc cài cắm nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB, bà Lan nắm quyền chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này, dù không đứng tên trong thành phần ban lãnh đạo.
Từ việc chi phối SCB, từ ngày 1.1.2012 đến ngày 7.10.2022, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống hồ sơ vay, giải ngân 2.257 khoản/hơn 1 triệu tỉ đồng. Đến ngày 17.10.2022, còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi (nợ gốc 483.971 tỉ đồng, lãi/phí 193.315 tỉ đồng). Nợ gốc của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc tại SCB.
Trong đó, từ ngày 1.1.2012 - 31.12.2017, Trương Mỹ Lan vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay.
Từ ngày 1.1.2018 - 7.10.2022, Trương Mỹ Lan tham ô tài sản hơn 304.000 tỉ đồng nợ gốc, và hơn 129.000 tỉ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
Về việc sai phạm diễn ra suốt 10 năm mà không bị ngăn chặn, cơ quan tố tụng xác định một phần nguyên nhân là do sự tiếp tay bởi các cán bộ thanh tra của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Trong số 18 thành viên đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn bị truy tố về tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD; 10 bị can bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 7 người khác không bị xử lý hình sự...