Từ khi Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine tới nay, Ba Lan vẫn là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Kiev.
Mối quan hệ này đã gặp trục trặc vì nhiều lý do, trong đó cũng bao gồm việc Ba Lan phải cứng rắn với chuyện thương mại với Ukraine.
Lo quan hệ xấu đi, Ukraine muốn đàm phán cùng Ba Lan
Tuần trước, nông dân Ba Lan tiếp tục biểu tình và đổ ngũ cốc Ukraine xuống đường. Vụ việc này khiến Warsaw phải lên tiếng xin lỗi.
Nhưng chuyện ngoại giao không đồng nghĩa với vấn đề kinh tế. Ba Lan cũng tỏ ra cứng rắn khi phải đối diện áp lực từ sự phản đối trong nước.
Hôm 11-2, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk thẳng thắn cảnh báo các tranh chấp kinh tế giữa Ba Lan và Ukraine có thể tạo ra "sự gia tăng đột ngột tâm lý chống Ukraine", đồng thời nhắc nhở chuyện nhiều người Ukraine lợi dụng chiến tranh để trục lợi.
Cả Ba Lan lẫn Ukraine đều là nước sản xuất nông sản lớn tại châu Âu. Khi Liên minh châu Âu (EU) bỏ hạn chế và thuế quan lên hàng hóa Ukraine vào năm 2022, nông dân Ba Lan và nhiều nước phản đối việc nhập khẩu hàng giá rẻ từ Ukraine, cho rằng điều này tạo ra lợi thế không công bằng.
Ukraine có lý do để lo lắng về mối quan hệ đang khó khăn với Ba Lan. Ngày 16-2, Kiev Independent dẫn lời ông Danylo Hetmantsev, chủ tịch ủy ban tài chính quốc hội, khẳng định Ukraine nguy cơ mất hơn 200 triệu USD nếu biên giới với Ba Lan bị "đóng băng" vì biểu tình tới cuối tháng 2 này. Ông nhấn mạnh việc biểu tình trên sẽ khiến ngân sách Ukraine thâm hụt.
Như một phản ứng cần thiết trước khi quá muộn, Tổng thống Ukraine Zelensky đã gợi mở khả năng đàm phán với Ba Lan.
Trong video tối 15-2, ông Zelensky cho hay đã chỉ đạo thủ tướng Ukraine nhanh chóng đàm phán với Thủ tướng Ba Lan Tusk.
Dù chỉ trích hành động đổ ngũ cốc Ukraine ra đường, ông Zelensky vẫn ưu tiên cải thiện quan hệ song phương với Ba Lan. Ông nói: "Hạt ngũ cốc Ukraine nằm trên đường không chỉ là vài chuyện giật gân. Đó là bằng chứng cho thấy cảm xúc có thể nguy hiểm như thế nào. Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn phải bảo vệ tình láng giềng".
Ukraine sắp ký thỏa thuận an ninh với Đức và Pháp
Ukraine hiểu rõ giá trị của các đồng minh trong cuộc xung đột với Nga. Ngoài Mỹ, các nước châu Âu cũng mang tới sự ủng hộ rất ý nghĩa cho Kiev.
Ngày 16-2, Tổng thống Ukraine Zelensky lên đường tới Berlin (Đức) và Paris (Pháp) để ký các thỏa thuận an ninh, theo AFP.
Các thỏa thuận này được kỳ vọng mang tới cú hích cho Ukraine khi chiến sự sắp bước vào năm thứ ba. Binh sĩ Ukraine đang rơi vào tình thế ngày càng khó khăn tại các mặt trận phía đông. Họ đang chống cự các cuộc tấn công của Nga trong tình thế thiếu hụt vũ khí, đạn dược.
Theo thông báo của Chính phủ Đức, Tổng thống Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ ký một thỏa thuận an ninh song phương, có thể mang lại "sự ủng hộ và các cam kết an ninh lâu dài" cho Ukraine.
Tương tự, thông báo từ văn phòng tổng thống Pháp nói Tổng thống Emmuanuel Macron và Tổng thống Ukraine sẽ ký thỏa thuận an ninh ở Điện Elysee vào chiều 16-2 (giờ địa phương).
"Thỏa thuận này tiếp nối các cam kết được đưa ra theo khuôn khổ G7, bên lề sự kiện thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius vào tháng 7-2023", thông báo nêu.
Hiện nay, NATO chưa đưa ra lộ trình cụ thể để Ukraine gia nhập liên minh quân sự này. Tuy nhiên nhóm các nền kinh tế lớn G7 đã cam kết cung cấp sự hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) suy nghĩ nghiêm túc hơn về khả năng đụng độ trực tiếp với Nga và bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản xấu.