Luật Bắt cóc thú cưng được Chính phủ Anh ủng hộ, sau áp lực từ các nhà vận động bảo vệ quyền động vật khi 45.000 người ký đơn thỉnh cầu lên Quốc hội vào năm ngoái chỉ trích cách luật hiện hành.
Đạo luật Trộm cắp ra đời năm 1968 coi thú cưng là tài sản cá nhân giá trị thấp với mức án cho hành vi trộm cắp phụ thuộc vào giá trị tiền tệ của chúng, nghĩa là không có luật cụ thể nào giải quyết vấn đề bắt cóc thú cưng. Điều này khiến tòa án khó đưa ra các bản án giam giữ đối với những loại tội phạm này.
Luật mới sẽ xếp thú cưng vào loại sinh vật có tri giác, có khả năng trải qua đau khổ và tổn thương tinh thần.
Dự thảo Luật Bắt cóc thú cưng nêu một người có thể bị kết tội bắt cóc mèo nếu họ "gây ra hoặc dụ dỗ con mèo đi cùng người đó hoặc bất kỳ ai khác" hoặc "khiến thú cưng này bị bắt".
Điều này đã khiến một số người lo ngại rằng việc âu yếm, cưng nựng hoặc chải lông cho một con mèo trên đường phố có thể khiến những người thân thiện phải hầu tòa.
Steve Barclay, Bộ trưởng Môi trường, đã ủng hộ dự luật, nói nó "sẽ giúp cộng đồng nhận ra mức độ nghiêm trọng của tội này và sẽ đóng vai trò ngăn chặn bất kỳ ai có ý định ăn trộm chó hoặc mèo".
Số liệu được tiết lộ bởi Đội đặc nhiệm chống trộm thú cưng, được Chính phủ thành lập vào năm 2021, cho thấy chỉ riêng năm 2020 đã có khoảng 2.000 vụ trộm chó và hơn 400 vụ trộm mèo. Khoảng một phần tư người trưởng thành ở Anh nuôi chó hoặc mèo.
Theo các nhà hoạt động xã hội, dự luật phản ánh giá trị tinh thần mà thú cưng mang lại cho chủ nhân của chúng cùng với nỗi đau khổ gây ra cho các gia đình khi thú cưng bị đánh cắp. Điều này sẽ tách động vật ra khỏi những đồ vật vô tri và đưa vụ bắt cóc thú cưng lên danh sách ưu tiên cao hơn của cảnh sát bằng cách phân loại những hành vi phạm tội này là bắt cóc thay vì trộm cắp.
Hải Thư (Theo Telegraph)
Xem thêm: lmth.7351174-gnoc-gnoc-ion-oem-ohc-oehg-uert-iougn-ut-tahp-pas-hna/ten.sserpxenv