Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, giá bán buôn đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 1 - điều này làm phức tạp thêm bức tranh lạm phát tại nền kinh tế số một thế giới.
Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0,1% của các chuyên gia kinh tế và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2023. Trước đó, PPI giảm 0,2% trong tháng 12.
Loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm, PPI lõi tăng 0,5% so với tháng trước, cũng cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0,1%. Nếu không tính giá thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, PPI siêu lõi tăng 0,6%, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1 năm ngoái.
Nếu so với cùng kỳ, PPI tổng thể tăng 0,9%, thấp hơn mức 1% của tháng 12/2023. Tuy nhiên, nếu loại bỏ thực phẩm, năng lượng và dịch vụ thương mại, PPI siêu lõi tăng 2,6%.
Báo cáo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 1/2024. So với cùng kỳ, CPI tăng 3,1%, thấp hơn mức của tháng trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Ngoài ra, CPI lõi tăng 3,9%.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi báo cáo CPI được công bố. Và PPI tăng mạnh hơn dự báo cũng có thể khiến các nhà đầu tư thêm lo lắng. Trước đó, thị trường hy vọng Fed sẽ thấy lạm phát đang hạ nhiệt đủ để bắt đầu cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm nay, tuy nhiên sau các báo cáo lạm phát gần đây, dự đoán này đã bắt đầu “nguội dần”.
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm sau báo cáo về PPI và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt.
Chỉ vài tuần trước, thị trường còn kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Nhưng sau báo cáo lạm phát, dự đoán cắt giảm lãi suất đã chuyển sang tháng 6/2024.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tháng 1 đã giảm 0,8%, mạnh hơn nhiều so với dự đoán.
Theo CNBC