Lúc 8g30 ngày 16/2, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng mua vào là 76,8 triệu đồng/lượng, bán ra là 79 triệu đồng/lượng, sau đó không lâu, giá vàng tại đây đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, giữ nguyên giá ở chiều bán ra.
Nếu so với trưa ngày 15/2, giá vàng SJC đã tăng thêm 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Khoảng cách chênh lệch mua và bán vẫn đang là 2 triệu đồng/lượng, khá rủi ro cho người mua.
Giá vàng SJC tăng thêm 1,3 - 1,6 triệu đồng/lượng so với ngày hôm qua (Ảnh minh hoạ) |
Tập đoàn DOJI đang niêm yết giá vàng SJC ở chiều mua vào là 76,75 triệu đồng/lượng và bán ra là 78,95 triệu đồng/lượng, tăng thêm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 950.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày hôm qua.
Một số công ty khác, giá vàng SJC lại có xu hướng giảm. Như tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng SJC đang niêm yết giá mua vào là 76,5 triệu đồng/lượng và bán ra là 78,75 triệu đồng/lượng. Nếu so với ngày hôm qua, giá vàng SJC đã giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên giá ở chiều bán ra.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang giao dịch mức 2.003 USD/ounce, tăng 8 USD/ounce so với ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ Vietcombank (1 USD = 24.620 VND), giá vàng thế giới tương đương 59,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC trong nước là 19,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới bất ngờ tăng trở lại do báo cáo mới nhất vào cuối ngày 15/2 vừa qua cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 giảm nhiều hơn dự kiến, giảm 0,8% so với tháng 12, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/2023, đã đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm.
Theo dự báo của các chuyên gia, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ là cắt giảm lãi suất để kích cầu chi tiêu của người dân thì thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào vàng, có thể đẩy giá vàng thế giới lên mức 2.400 USD/ounce.
Thanh Hoa