Đó là kết quả từ khảo sát CEO thường niên lần thứ 27 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) của PwC - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay - công bố tháng 2-2024.
Theo kết quả khảo sát 1.774 CEO trong khu vực, các lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi con đường phía trước vẫn chưa rõ ràng. 63% các CEO tại APAC vẫn không chắc chắn về khả năng tồn tại của công ty họ - cao hơn 10% so với năm ngoái và hơn 18% so với mức trung bình của các CEO toàn cầu.
53% cho rằng công ty của họ sẽ không thể tồn tại sau 10 năm nữa nếu như công ty vẫn tiếp tục hoạt động theo con đường hiện tại. Trước cục diện này, đa số các công ty (97%) ở APAC đang bắt đầu thực hiện một số bước đổi mới.
Trong khi đó, quan điểm của các CEO về triển vọng kinh tế toàn cầu cũng rất khác nhau: 45% cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm, trong khi 40% kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện hơn vào năm 2024.
Các CEO tại Philippines (57%), Đài Loan (49%) và New Zealand (48%) có quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những vùng lãnh thổ này đã có các ngành công nghiệp địa phương chuyên môn vững mạnh, bao gồm năng lực sản xuất chất bán dẫn ở Đài Loan và ngành nông nghiệp và năng lượng tái tạo ở New Zealand.
Tuy nhiên, tại các quốc gia như Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ, quan điểm của các CEO lại kém lạc quan hơn, khi chỉ có 20 - 30% các CEO dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng. Những nền kinh tế lớn và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu này sẽ phải đối diện nhiều thử thách hơn do các yếu tố về địa lý, chính trị và ngành nghề.
Điều này cho thấy một nhiệm vụ kép đối với các CEO: bên cạnh việc tập trung vào những thách thức về lợi nhuận, doanh nghiệp cần đồng thời đổi mới hoạt động kinh doanh để đảm bảo khả năng thích ứng trong tương lai.
Ông Raymund Chao, chủ tịch PwC khu vực APAC và Trung Quốc, đánh giá: "Niềm tin vào tương lai tiếp tục bị hạn chế bởi những thách thức và bất ổn kéo dài. Kết quả khảo sát với 1.774 CEO trong khu vực cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nỗi bất an về khả năng tồn tại trong tương lai nếu như không có chiến lược đổi mới.
Tuy nhiên, sự thúc đẩy của các rủi ro làm cho nhu cầu đổi mới ngày càng lớn. Sự thay đổi tích cực đang diễn ra, với nhiều công ty đang thực hiện các bước để đổi mới hoạt động".
Doanh nghiệp chỉ thích ứng thôi là chưa đủ
"Khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy rằng APAC đang tiếp tục được xem là điểm sáng tăng trưởng của thế giới. Tuy nhiên, trước sự cấp thiết về hành động vì khí hậu và tiềm năng đổi mới của trí tuệ nhân tạo, chỉ thích ứng thôi là chưa đủ.
Việc thúc đẩy các nỗ lực đổi mới kinh doanh là rất quan trọng. Trước những vấn đề phức tạp như vậy, cần phải kiên quyết giữ vững quyết tâm đối với sự đổi mới, tầm nhìn và các mối quan hệ đối tác" - Raymund Chao, chủ tịch PwC khu vực APAC và Trung Quốc, cho biết.
Những yếu tố vĩ mô tích cực sẽ góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ tăng trưởng trong năm 2024. Điển hình mới đây Masan Group công bố báo cáo tài chính với đà tăng trưởng được giữ vững, đặt mục tiêu tăng trưởng gấp đôi vào năm nay.