Lợi tức dân số (Demographic dividend: nhằm nói đến sự tăng trưởng của một nền kinh tế là kết quả của sự thay đổi trong cơ cấu tuổi dân số của một quốc gia) đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực, nhưng mạng lưới an sinh xã hội vẫn chưa phát triển đầy đủ ở nhiều quốc gia. Mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực có độ tuổi nghỉ hưu sớm nhưng chỉ 25% tổng dân số trong độ tuổi lao động (những người từ 15 đến 64 tuổi) được tiếp cận lương hưu. Với việc nhân khẩu học ngày càng cạn kiệt, nhiều quốc gia đã phải chịu áp lực củng cố mạng lưới an sinh xã hội để đảm bảo phúc lợi cho người già.
Tình trạng thiếu lao động ở khu vực Đông Nam Á mang tính chất cơ cấu và do đó có thể kéo dài. Theo ước tính của Liên Hợp quốc, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở 11 quốc gia trong khu vực đã đạt đỉnh 68% vào năm 2023. Tỷ lệ này đã đạt đỉnh ở Thái Lan vào năm 2013 và Việt Nam vào năm 2014. Tại Indonesia, quốc gia có dân số 270 triệu người, lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới, tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, chấm dứt giai đoạn lợi tức dân số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tỷ lệ dân số theo độ tuổi của khu vực Đông Nam Á (theo ước tính của Liên Hợp Quốc) |
Năm 2019, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong khu vực đã đạt 7%, đây là ngưỡng được xem là “xã hội già hóa”. Tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 14% vào năm 2043 và đưa khu vực vào nhóm "dân số già". Tại Nhật Bản, quá trình chuyển đổi giữa hai giai đoạn này diễn ra trong khoảng thời gian 24 năm từ 1970 đến 1994.
Tốc độ già hóa là khác nhau giữa các quốc gia. Độ tuổi trung bình ở Singapore đã tăng lên 41,5, ngang bằng với Nhật Bản và các nước lớn ở châu Âu, trong khi ở Philippines vẫn ở mức thấp là 29,3.
Trong khi tình trạng già hóa xã hội dường như là không thể tránh khỏi thì nhiều quốc gia Đông Nam Á lại chưa có sự chuẩn bị tốt về vấn đề này.
Nhà phân tích Shotaro Kumagai thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết: “Các nước Đông Nam Á cũng chậm trong việc kết hợp bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng tốt và các chương trình khác cho người già… Họ có thể thấy gánh nặng tài chính đối với chính phủ và các hộ gia đình tăng mạnh trong tương lai”.
Tại Nhật Bản, chi tiêu an sinh xã hội chiếm 11% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 1992, nhưng khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh, tỷ lệ này đã tăng lên 25% vào 30 năm sau đó. Những khoản chi tiêu như vậy vẫn chưa đến 10% GDP ở các nền kinh tế Đông Nam Á, nhưng chúng chắc chắn sẽ tăng lên khi họ cố gắng củng cố mạng lưới an toàn xã hội, khiến họ buộc phải tìm nguồn tài trợ.
Mặt khác, những thay đổi về nhân khẩu học ở Đông Nam Á có thể có tác động sâu sắc ở nước ngoài. Việt Nam là nguồn cung cấp lao động nước ngoài lớn nhất cho Nhật Bản, với khoảng 520.000 người Việt Nam làm việc tại nước này vào tháng 10/2023 khi số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản lần đầu tiên vượt quá 2 triệu người. Philippines là nguồn lao động lớn thứ ba, với 230.000 người Philippines làm việc tại Nhật Bản.
Hisakazu Kato, giáo sư kinh tế và phó chủ tịch Đại học Meiji cho biết: “Các nước Đông Nam Á sẽ không đủ khả năng đưa lao động đến Nhật Bản nếu họ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động”.
Nếu các quốc gia ở Đông Nam Á bị cản trở bởi lực lượng lao động giảm sút thì có rất ít hy vọng rằng khu vực này sẽ dẫn đầu thế giới cùng với Trung Quốc và Ấn Độ.
Ở Thái Lan - dân số già hóa cao hơn so với nhiều nước cùng độ tuổi - với tỷ lệ là 16% dân số đã từ 65 tuổi trở lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3% trong 5 năm tới, tốc độ chậm hơn nhiều so với mức 5% đến 6% trong nửa đầu những năm 2000.
Do đó, khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với thách thức khó khăn trong việc đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.