Đào, phở và piano là một trong hai phim nhà nước nằm trong kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Phim còn lại là Hồng Hà nữ sĩ.
Hiện, Trung tâm Chiếu phim quốc gia là địa điểm duy nhất trên cả nước chiếu hai bộ phim nhà nước này.
Đào, phở và piano: Hiện tượng chưa từng có
Ông Vũ Đức Tùng gọi việc khán giả đặt vé xem phim Đào, phở và piano - một bộ phim nhà nước - khiến trang web của Trung tâm Chiếu phim quốc gia bị sập là "hiện tượng trước nay chưa từng có".
Tới trưa 18-2, trang web của trung tâm này vẫn chưa hoạt động trở lại.
Theo kế hoạch, hai bộ phim trên ra rạp chính thức vào mùng 1 Tết Giáp Thìn.
Từ mùng 1 tới mùng 3 Tết, đơn vị xếp số lượng suất chiếu bình thường. Trung bình mỗi suất chiếu, khán giả phủ từ 1/3 tới 1/2 rạp.
"Tuy nhiên, so với Hồng Hà nữ sĩ, vài ngày qua, phim Đào, phở và piano lại đắt khách một cách đột biến.
Theo báo cáo của bộ phận truyền thông, nhiều khán giả kêu gọi trung tâm mở thêm suất chiếu", ông Tùng thông tin.
Quyền giám đốc trung tâm kể thêm rạng sáng 18-2, lúc 1h, bộ phận truyền thông, bộ phận kỹ thuật cùng ban giám đốc phải họp hội ý để mở thêm suất chiếu.
Theo thống kê sơ bộ sáng 18-2, rạp đón gần 400 khán giả xem Đào, phở và piano.
"Ban đầu, rạp chỉ mở ba suất chiếu nhưng do nhu cầu khán giả tăng cao, tới nay, rạp tăng lên 11 suất. Ngày 19-2 sẽ mở 15 suất", ông Tùng nói thêm "với phim nhà nước, rạp sẽ chiếu tới khi nào phim không còn khán giả, ít nhất là một tháng".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vũ Đức Tùng cũng chia sẻ thêm: "Từ trưa 17-2, toàn bộ vé phim Đào, phở và piano ngày thứ hai, thứ ba tuần tới (tức 19, 20-2) đã hết. Có một số khán giả chia sẻ rằng đây là lần đầu họ chấp nhận ngồi hàng đầu để xem phim".
Tín hiệu khả quan
Nói về cán cân giữa hai phim hot ở thời điểm hiện tại (Mai - phim tư nhân và Đào, phở và piano - phim nhà nước), đại diện Trung tâm Chiếu phim quốc gia cho rằng không nên so sánh vì mỗi dòng phim có một đặc điểm, nhiệm vụ khác nhau.
Ông Tùng cho hay phim Mai của Trấn Thành đông khán giả từ mùng 2 Tết tới nay. Từ 20 suất chiếu, rạp phải tăng lên 30, hiện tại 50 suất mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khán giả.
"Phản ứng của dư luận và kết quả ban đầu từ phim Đào, phở và piano là một tín hiệu khả quan.
Tôi nghĩ nếu phim nhà nước có chất lượng, kịch bản phù hợp xu thế, nội dung chạm tới cảm xúc người xem thì hoàn toàn có khả năng ra rạp", quyền giám đốc Vũ Đức Tùng nhận định.
Có hay không việc Cục Điện ảnh ép Trung tâm Chiếu phim tăng suất chiếu phim Đào, phở và piano như một số dân mạng nói?
Ông Vũ Đức Tùng phủ nhận: "Trung tâm không bị áp lực bởi bất cứ điều gì. Cục giao cho trung tâm chủ động kế hoạch toàn bộ.
Không có chuyện cục ép tăng suất chiếu phim nhà nước. Khi có khán giả, chúng tôi sẽ phục vụ dù đó là phim thương mại hay phim nhà nước".
Ông cũng nói thêm ngoài phim truyện điện ảnh, tới đây, trung tâm cũng mong muốn được chiếu các phim hoạt hình do Nhà nước đặt hàng tới khán giả nhí.
Phim Đào, phở và piano (đạo diễn và biên kịch Phi Tiến Sơn) lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội.
Trong những trận đánh cuối cùng trước khi quân ta rút khỏi Hà Nội năm 1947 lên chiến khu, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, một số người vẫn chọn ở lại chiến lũy.
Họ, có tên hoặc không có tên, cùng nhau kể một câu chuyện bi tráng mà không kém phần lãng mạn về "tâm hồn Hà Nội" trong khói lửa.
Phim đoạt Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tổ chức ở Đà Lạt hồi tháng 11 năm ngoái.
Trên một số hội nhóm về phim ảnh, Đào, phở và piano đang nhận được sự quan tâm rất lớn.
Bên cạnh những ý kiến khen "bộ phim hiếm hoi làm về đề tài lịch sử dịp này", "bi tráng", "xúc động", "nên được phổ biến rộng"…, cũng có không ít ý kiến cho rằng "phim vẫn còn kịch quá", "bối cảnh chân thực nhưng giá như đại cảnh hoành tráng hơn", "nữ chính dở",…
"Phim không quá hoàn hảo nhưng đem lại một mùa xuân Hà Nội rất khác", "nên ủng hộ phim nhà nước", một ý kiến bày tỏ.
Trong phim 20 tỉ đồng do Nhà nước đặt hàng, hình ảnh đào, phở, piano liên tục xuất hiện như một cách giải mã sự hồn nhiên và đầy chất chơi của người Hà Nội một thời.