Khác với thói quen thưởng thức văn hóa nghệ thuật của khán giả TP.HCM. Hà Nội sau đợt nghỉ Tết, trở lại hoạt động bình thường thì mùa kịch Tết mới chính thức bắt đầu.
Nếu như Nhà hát Tuổi trẻ chọn chương trình hài kịch, ca nhạc với những tiểu phẩm cười mới dàn dựng để gọi mời khán giả mùa kịch Tết thì Nhà hát Kịch Việt Nam chuẩn bị một "thực đơn" phong phú hơn.
"Thực đơn" gồm chương trình Điểm hẹn 8.3 với hai vở hài kịch kinh điển thế giới và Việt Nam là Quan thanh tra và Nghêu sò ốc hến, thêm vở hài kịch kinh điển Ả cave nhà hàng Maxim.
Khi cả xã hội thượng lưu ngu muội, rỗng tuếch đi theo một ả gái điếm
Ả cave nhà hàng Maxim được lấy từ nguyên tác La Dame de chez Maxim - một kiệt tác của nhà viết kịch vĩ đại người Pháp thế kỷ XIX Georges Feydeau.
Vở hài kịch về giới thượng lưu quý tộc ở Paris, những mặt trái của xã hội.
"Cuộc đời của Georges Feydeau rất bi thảm nhưng đổi lại là những tác phẩm tuyệt vời", NSND Tuấn Hải - đạo diễn của vở hài kịch này - nói.
Georges Feydeau có nhiều năm lăn lộn ở những quán rượu, những hộp đêm nhà hàng nên ông đã viết nên những câu chuyện thật lôi cuốn và sống động của Paris lúc về đêm, để lại những tác phẩm nghệ thuật vô giá, trong đó có vở kịch Ả cave nhà hàng Maxim.
Kịch xoay quanh câu chuyện về một cô gái điếm ở tiệm rượu Maxim với điệu nhảy tục tĩu, trong một tình huống ngặt nghèo bỗng trở thành hình mẫu và thần tượng cho giới thượng lưu quý tộc.
Vở kịch là hành trình cả giới thượng lưu ở Pháp rỗng tuếch lúc bấy giờ bởi sôi sục học đòi những điều nhảm nhí, phù phiếm, mải mê đi theo sự dắt mũi của ả gái điếm mà không hay.
Trong hành trình ấy, những dối trá trong gia đình đầy tổn thương càng ngày càng lộ rõ và trượt dài.
Xem kịch khiến nhiều khán giả Việt không khỏi liên tưởng tới cái xã hội nửa Âu hóa, là cơ hội cho những rởm rít lên ngôi, cả giới thượng lưu giả hiệu bị một tay bán thuốc lậu ngoài chợ dắt mũi trong tác phẩm kinh điển Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng.
Ả cave nhà hàng Maxim ra mắt tại Paris lần đầu tiên cách đây đúng 125 năm, vào mùa xuân năm 1899. Hơn một trăm năm qua, vở hài kịch vẫn liên tục được công diễn ở các nhà hát của Paris và các nhà hát trên khắp thế giới.
Rất Pháp nhưng cũng rất Việt
Tại Việt Nam, vở kịch từng được một đạo diễn Pháp sang dàn dựng cho các diễn viên Việt Nam vào năm 1998. Khi ấy nghệ sĩ Chiều Xuân được chọn vào vai nữ chính - ả cave.
Nếu như bản dựng năm 1998 có thể nói là hoàn toàn Pháp khi đạo diễn "bê" phong cách của mình sang, bê cả toàn bộ phục trang, chỉ có diễn viên người Việt, thì bản dựng của đạo diễn Tuấn Hải lần này dù rất trung thành với tác giả, rất Pháp ở cảnh trí sân khấu, phục trang, âm nhạc, vũ đạo… nhưng đồng thời được Việt hóa nhiều.
Lời thoại được hiện đại hóa và Việt hóa, không còn quá cổ điển, hàn lâm để phù hợp với khán giả Việt hiện nay. Đạo diễn duyên dáng đưa vào lời thoại nhiều thơ "bút tre", làm nên nhiều cuộc đối thoại chao chát rất Việt.
"Tôi hầu như chuyển 100% lời để dễ hiểu với khán giả Việt Nam hiện nay", đạo diễn Tuấn Hải chia sẻ.
Khán giả cười suốt vở diễn nhưng đằng sau nụ cười là những câu hỏi về sự giả tạo của xã hội trưởng giả, thượng lưu một thời và không khỏi liên tưởng tới xã hội Việt Nam thời Âu hóa nửa đầu thế kỷ 20 được khắc họa vô cùng sinh động trong Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng.
Dàn diễn viên "mới" (chưa nổi tiếng) tham gia vở hài kịch Ả cave nhà hàng Maxim đã thật sự gây ngạc nhiên cho khán giả lẫn các nhà phê bình, giới truyền thông khi kết hợp xuất sắc khả năng diễn xuất lẫn vũ đạo.
Đặc biệt là nghệ sĩ Mai Duyên trong vai ả cave là một bất ngờ lớn khi cô diễn quá tinh tế, nhập vai, một vai diễn đầy táo bạo khác hẳn với hình ảnh của cô trước đây - những vai hiền lành trong các vở kịch dân gian.
Nghệ sĩ Hoàng Phúc trong vai bác sĩ cũng là một thành công bất ngờ khác của vở diễn. Không có lợi thế về ngoại hình nhưng chính điều đó cộng tài năng của nghệ sĩ đã khắc họa lên một nhân vật trong giới thượng lưu rất ấn tượng ngay từ dáng vẻ bề ngoài.
Ả cave nhà hàng Maxim trở lại với khán giả Hà Nội đêm 18-2 và 23,24,25-2 tại Nhà hát Kịch Việt Nam.
Chương trình Điểm hẹn 8.3 sẽ tiếp nối vở kịch này. Trong đó, vở Nghêu sò ốc hến sẽ diễn các đêm 1,2,7,16-3 tại Nhà hát kịch Việt Nam và 8-3 tại rạp Đại Nam.
Vở Quan thanh tra sẽ diễn đêm 9,10,19-3 tại rạp Đại Nam và 15-3 tại Nhà hát Kịch Việt Nam.
Trong 3 tiểu phẩm ‘Bắt thi’, ‘Tiến sĩ’, ‘Trận đồ bát quái’ thuộc chương trình hài mới của Nhà hát Tuổi Trẻ, ra mắt khán giả từ mùng 8 Tết Giáp Thìn (17-2) có hai tiểu phẩm chỉ ra một số 'căn bệnh' trong giáo dục.