Thủ tướng Srettha Thavisin, người được xem như một đồng minh của ông Thaksin, đã gọi cựu thủ tướng là một người am tường nhiều việc, được nhiều người biết đến.
Những lời nhận xét về người đi trước được ông Thavisin đưa ra trong chuyến đi tới tỉnh Sakhon Nakhon sáng 18-2, cùng ngày ông Thaksin được thả.
Đương kim thủ tướng Thái Lan cũng nhấn mạnh quá trình trả tự do cho ông Thaksin hoàn toàn tuân thủ luật pháp. Tuy nhiên, ông Srettha không giải thích rõ quá trình này "đúng luật" như thế nào.
Ông Thaksin phải đeo vòng chân giám sát?
Theo Hãng tin Reuters, chi tiết về việc thả ông Thaksin vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông có thể phải đeo vòng giám sát ở cổ chân và bị hạn chế đi lại.
Mặc dù vậy, hãng tin của Anh đã gọi ngày ông Thaksin rời Tổng y viện cảnh sát Thái Lan là "ngày đầu tiên được tự do trên quê nhà", sau hơn chục năm lưu vong ở nước ngoài.
Trở về nước và được nhiều người ủng hộ chào đón như một ngôi sao vào tháng 8-2023, cựu thủ tướng Thaksin bị cảnh sát áp tải lần lượt đến tòa án, nhà tù và cuối cùng được đưa đến bệnh viện. Ngày ông trở về cũng trùng thời điểm ông Thavisin được bầu làm thủ tướng.
Dù bị tuyên 8 năm tù vì tội lạm dụng quyền lực và xung đột lợi ích khi còn đương chức, ông Thaksin sau đó được quốc vương Thái Lan giảm án xuống còn 1 năm, nhưng bị giam tại bệnh viện do lý do sức khỏe.
Theo truyền thông Thái Lan, được xác định đủ điều kiện ân xá do tuổi tác, tình trạng sức khỏe, ông Thaksin được trả tự do ngày 18-2 sau 6 tháng bị giam.
Chiếc xe đưa ông từ bệnh viện về nơi ở của gia đình tại Bangkok chỉ mất 25 phút, một khoảng thời gian rất ngắn so với những gì ông đã trải qua kể từ khi bị lật đổ vào năm 2006 và lưu vong ngoại quốc.
Chính trị gia có ảnh hưởng lớn ở Thái Lan
Được yêu mến và bị ghét ở mức độ gần như ngang nhau, người đàn ông 74 tuổi này đã làm thay đổi nền chính trị Thái Lan vào đầu những năm 2000. Các chính sách dân túy đã giúp ông và đảng của ông giành được lòng trung thành lâu dài từ quần chúng nông thôn, kể cả trong các cuộc bầu cử sau khi ông bị lật đổ.
Ông Thaksin sinh ngày 26-7-1949, trong một trong những gia đình gốc Hoa danh giá ở tỉnh Chiang Mai.
Ông từng là cảnh sát trước khi tích lũy khối tài sản khổng lồ, thành lập một loạt công ty mạng dữ liệu và điện thoại di động, sau này trở thành gã khổng lồ viễn thông Shin Corp.
Năm 1998, ông thành lập đảng chính trị của riêng mình, Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái), và được bầu làm thủ tướng vào năm 2001.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, ông Thaksin hứa sẽ sử dụng hiểu biết kinh doanh của mình để tái thiết quốc gia và đưa người dân nông thôn thoát nghèo bằng chính sách "Thaksinomics" của mình.
Ông tái đắc cử với chiến thắng vang dội vào năm 2005, nhờ sự ủng hộ to lớn của cử tri nông thôn. Nhưng chỉ 1 năm sau, ông bị vướng vào các cáo buộc tham nhũng và sa lầy vào tranh cãi về việc bán cổ phiếu Shin Corp miễn thuế.
Những cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra và kéo dài suốt nhiều tháng, đỉnh điểm rơi vào tháng 9-2006, xe tăng quân đội tiến vào Bangkok và lật đổ chính phủ của Thaksin khi ông đang ở Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ).
Thai Rak Thai bị giải tán theo lệnh của tòa án sau cuộc đảo chính năm 2006.
Nhưng nền tảng ủng hộ gia tộc Shinawatra vẫn không bị lung lay, và cuối cùng đã phát triển thành Đảng Pheu Thai, đưa em gái của ông Thaksin là bà Yingluck Shinawatra lên nắm quyền vào năm 2011.
Thế nhưng, cũng giống như anh trai, bà Yingluck bị lật đổ trong một cuộc binh biến năm 2014 và hiện đang ở nước ngoài.
Mặc dù lưu vong, cựu thủ tướng Thaksin vẫn được nhiều người coi là lãnh đạo thực sự của Pheu Thai. Đảng này đứng thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5-2023 và hiện đang lãnh đạo liên minh cầm quyền.
Từ Dubai, nơi ông sống lưu vong, Thaksin vẫn thường xuyên sử dụng nền tảng mạng xã hội Clubhouse để phát biểu trước những người ủng hộ ở Thái Lan. Chính những điều trên đã lý giải vì sao việc thả ông Thaksin được xem như một tin tức lớn tại xứ chùa tháp.
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra có thể được thả khi đủ điều kiện ân xá đặc biệt do tuổi tác và sức khỏe.