Báo cáo xu hướng việc làm và phát triển xã hội năm 2024 do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cho thấy một trong những trọng tâm phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2024 là tiếp tục thúc đẩy thị trường lao động tăng trưởng, hướng tới mức trước đại dịch COVID-19.
Nhận diện thách thức
Theo ILO, trong năm 2023, thị trường lao động khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, với tỉ lệ tăng trưởng việc làm đạt 2,4%, cao hơn mức 2% của năm 2022 và 0,9% của giai đoạn 2019-2021 - giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. Động lực chính của sự tăng trưởng này là nhờ các nước trong khu vực đã nỗ lực khôi phục kinh tế, các ngành công nghiệp sản xuất dần phục hồi và mức tăng trưởng dân số khu vực ổn định.
Dù triển vọng thị trường việc làm khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2024 khá tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, trong đó cần lưu ý tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên đang ở mức báo động. Theo ILO, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực này trong năm 2023 là 14,4%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của giai đoạn 2010-2020 (12%). Trong đó, khu vực Đông Á có tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên đặc biệt cao, lên tới 20,4%.
“Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khả năng đảm bảo nguồn thu nhập ổn định và an sinh xã hội là yếu tố quyết định, thúc đẩy lao động ở châu Á tham gia thị trường việc làm” - bà Pooja Chhabria, chuyên gia nghiên cứu thị trường lao động tại ĐH SP Jain School (Singapore).
Báo cáo của ILO còn cho thấy người lao động ở châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc tìm kiếm việc làm và đảm bảo chất lượng việc làm.
Ước tính khoảng 66% lao động ở châu Á-Thái Bình Dương làm việc trong lĩnh vực phi chính thức (những việc làm không có hợp đồng lao động, không được trả lương theo mức tối thiểu và không được hưởng các chế độ bảo hiểm). Điều này có thể gây ra tình trạng thiếu an ninh việc làm, thu nhập không ổn định và hạn chế khả năng tiếp cận các chương trình bảo trợ xã hội dành cho người lao động.
Ngoài ra, ILO còn cho biết trong năm 2023, hơn 144 triệu lao động ở châu Á-Thái Bình Dương không tìm được việc làm vì không được đào tạo chuyên môn, trong đó phần lớn là phụ nữ ở khu vực Nam Á. Điều này dẫn đến thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân thấp, làm tăng nguy cơ nghèo đói và bất bình đẳng xã hội.
Để cải thiện thị trường lao động ở châu Á-Thái Bình Dương, Tổng Giám đốc ILO - ông Gilbert Houngbo nhấn mạnh rằng các nước trong khu vực cần khẩn trương đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận thị trường việc làm. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết tình trạng bất bình đẳng, xóa nghèo và an sinh xã hội, giúp người lao động yên tâm làm việc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Xu hướng tuyển dụng tại châu Á năm 2024
Ông Christopher Aukland - Giám đốc Tập đoàn tuyển dụng quốc gia Ambition (Singapore) dự đoán rằng thị trường lao động ở châu Á sẽ sôi động trở lại trong năm 2024, với lĩnh vực dịch vụ dẫn đầu, theo tờ South China Morning Post.
Ông Aukland đánh giá dịch vụ là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ sau đại dịch COVID-19, chiếm hơn 60% sản phẩm quốc nội (GDP) khu vực. Ông Aukland dự đoán rằng mảng dịch vụ sẽ tạo thêm hơn 20 triệu việc làm cho châu Á trong năm 2024, tập trung vào các ngành thương mại điện tử, du lịch và tài chính.
Ngành công nghiệp sản xuất là một trong những trụ cột của nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm cho khu vực. Theo ông Aukland, với sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành công nghệ điện tử, sản xuất ô tô, dệt may... các ngành này sẽ tạo thêm 10 triệu việc làm mới trong năm 2024.
Ông Aukland đánh giá ngành nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng của châu Á-Thái Bình Dương, đóng góp đáng kể cho an ninh lương thực thế giới và phát triển kinh tế khu vực. Với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật trong sản xuất, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ tạo ra khoảng 5 triệu việc làm mới trong năm 2024, góp phần giải quyết vấn đề thất nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 2024 do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hồi cuối năm 2023, cơ quan này nhấn mạnh để thúc đẩy tăng trưởng thị trường lao động năm 2024, cả người sử dụng lao động và người tìm việc cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo IMF, để nâng cao năng suất lao động và thu hút nhân tài, các doanh nghiệp cần đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng nhân viên, đồng thời tạo dựng môi trường làm việc linh hoạt và hấp dẫn.
Người tìm việc cũng cần chủ động nâng cao kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. IMF đánh giá rằng thị trường lao động có xu hướng thay đổi nhanh chóng, vì vậy người tìm việc cần học cách thích ứng với sự thay đổi này và sẵn sàng học hỏi những kỹ năng mới để tăng khả năng cạnh tranh.
AI ảnh hưởng thế nào tới việc làm năm 2024?
Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có tác động lớn tới thị trường việc làm toàn cầu năm 2024.
Theo bà Georgieva, AI có thể hỗ trợ người lao động tự động hóa các tác vụ lặp đi lặp lại, tiết kiệm thời gian xử lý công việc, giúp người lao động có thời gian tập trung vào các công việc đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy.
Tuy nhiên, AI cũng có thể thay thế con người trong nhiều công việc, bao gồm tự động hóa quy trình sản xuất, lắp ráp, đóng gói nên có thể khiến nhu cầu lao động trong các ngành này giảm đi, thậm chí khiến doanh nghiệp hạ mức lương, cắt giảm tuyển dụng khiến một số công việc có nguy cơ biến mất.
Để ứng phó với những tác động của AI tới thị trường việc làm, bà Georgieva kêu gọi chính phủ các nước phải thiết lập mạng lưới an toàn xã hội và đưa ra chương trình đào tạo giúp người lao động nâng cao tay nghề. Bà Georgieva cũng khuyến nghị người lao động cần chủ động nâng cao kỹ năng, đặc biệt là các khả năng tận dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất và thích ứng với sự thay đổi của thị trường.