Trong chỉ thị thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu kết luận rõ việc sử dụng cát biển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với đường ô tô cao tốc để đề xuất nhân rộng cho các dự án giao thông trọng điểm và quan trọng của quốc gia, nhất là tại khu vực ĐBSCL.
Cát biển đắp nền: thí điểm khả quan
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) là đơn vị được Bộ GTVT giao thi công thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
Tháng 3-2023, nơi này đã thí điểm tại dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, phạm vi thí điểm thuộc đoạn tuyến hoàn trả ĐT 978 tại lý trình km79+820. Đến tháng 5-2023, đơn vị thi công đắp xong cát biển và cát sông trên toàn bộ tuyến đường hoàn trả ĐT 978 và láng nhựa mặt đường toàn tuyến vào tháng 8-2023.
Sau tám tháng quan trắc môi trường nước mặt, nước ngầm xung quanh đoạn đường được đắp bằng cát biển, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết môi trường nền tại hai bên đoạn thử nghiệm đã bị nhiễm mặn trước khi thi công thí điểm và chưa có bằng chứng về việc sử dụng cát biển làm tăng độ mặn cũng như sự lan truyền của độ mặn vào môi trường xung quanh. Thực tế, khu vực này người dân canh tác theo mô hình lúa - tôm xen canh, thông thường 2 vụ tôm 1 vụ lúa một cách bình thường.
Hiện Bộ GTVT đã tổ chức hội thảo "Đánh giá kết quả thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho công trình xây dựng" và tổ chức họp hội đồng đánh giá kết quả nghiên cứu thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025.
"Khi được Bộ GTVT chấp thuận kết quả nghiên cứu, chúng tôi kiến nghị xem xét triển khai thử nghiệm mở rộng với quy mô lớn hơn đường cao tốc, ưu tiên các dự án tại khu vực tương tự khu vực đã triển khai thí điểm để có thể đánh giá được đầy đủ ảnh hưởng của tải trọng động với quy mô đường cao tốc về lâu dài" - ông Trần Văn Thi, giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, nói.
Ngoài ra, theo ông Thi, cần xem xét sử dụng cát biển đắp nền đường đối với các đường của địa phương trong khu vực ĐBSCL tại các khu vực có điều kiện môi trường tương tự với khu vực đã thực hiện thí điểm nhằm giảm áp lực cát sông (ưu tiên các dự án tại các vùng bị nhiễm mặn như Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau...).
Hàng trăm triệu mét khối cát biển đã sẵn sàng
Về nguồn cát biển, ông Trần Văn Thi cho biết trong đợt thử nghiệm, khoảng 5.800m2 cát biển được khai thác bằng tàu xói hút tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Sau đó, cát được vận chuyển 170km đến đoạn sông gần vị trí thi công tại xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), được bơm lên bãi tập kết và vận chuyển đến vị trí thi công bằng ô tô tự đổ để thi công.
Hiện nay cát biển tại vùng biển Trà Vinh, Sóc Trăng chỉ có thể khai thác được trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến tháng 11 hằng năm. Thời gian còn lại không thể tổ chức khai thác do vào mùa gió chướng, biển động. "Điều này cần phải được quan tâm khi lập kế hoạch triển khai các dự án", ông Thi lưu ý.
Để sẵn sàng đưa vào khai thác khi chính thức có chủ trương, từ nhiều năm trước các ngành chức năng đã khảo sát một số khu vực biển để mở mỏ. Trong đó, khu vực biển Sóc Trăng được chọn trước tiên vì hội tụ đủ yếu tố thuận lợi. Và nhiệm vụ này được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
San nền đô thị, đắp nền đường ô tô
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL".
Theo đó, trong năm 2023 bộ đã đánh giá xong tài nguyên khoáng sản cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng có mực nước từ 0 - 10m. Trong giai đoạn tiếp theo, bộ sẽ đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển tại khu B2 - B4, vùng biển 20 - 30m nước nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cảng biển, khu vực cụm công nghiệp, thủy lợi... vùng ĐBSCL giai đoạn đến 2030.
Trong đó, khu B1 (diện tích 250km2) và khu B2 - B4 (diện tích 1.250km2), tổng diện tích 1.500km2. Kết luận chỉ ra cát biển tại khu B1 đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp hạ tầng đô thị (theo TCVN 5747:1993) và đáp ứng được các chỉ tiêu cơ bản làm vật liệu san lấp nền đường ô tô (theo TCVN 9436:2012).
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước mắt đã chọn được khu vực với diện tích 32km2, có khoáng sản cát làm vật liệu san lấp với chiều dày trung bình 4,5m, hàm lượng tổng cát 86% với trữ lượng khoảng 145 triệu m3.
Khu vực cát dự kiến khai thác này được phân bố tại khu vực biển độ sâu phổ biến 2-5m, cách bờ (cửa Định An tính đến biên gần nhất) 20km, có điều kiện khai thác khả thi.
Ông Ngô Thái Chân - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng - cho biết thêm thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã tích cực triển khai nhiều công việc để đẩy nhanh khai thác cát biển, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc.
"Tỉnh đã đăng ký làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự kiến trong tháng 2 bộ và tỉnh sẽ ngồi lại để tháo gỡ những vướng mắc. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị triển khai khai thác cát biển", ông Chân nói.
Dự kiến độ sâu khai thác cát biển tại khu vực này từ 3-4m, phương pháp khai thác có thể sử dụng tàu hút xén thổi cỡ trung bình - nhỏ. Cát được khai thác sẽ vận chuyển bằng sà lan theo luồng hàng hải Định An đến nơi tiêu thụ. Công suất khai thác đề nghị mức 30.000 - 50.000m3/ ngày, thời gian khai thác phù hợp nhất từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm.
Nhiều dự án cần lượng cát khủng
• Theo Bộ GTVT, chỉ riêng các dự án đường cao tốc vùng ĐBSCL đang được triển khai dài 355km cần khoảng 6,6 triệu m3 đá, 4,7 triệu m3 đất đắp và gần 54 triệu m3 cát đắp và san lấp...
• Hiện có 10 mỏ cát sông của Đồng Tháp, Vĩnh Long khai thác theo cơ chế đặc thù dần giải tỏa "cơn khát" về cát tại dự án giao thông trọng điểm.
Kiên Giang cũng muốn khai thác mỏ cát biển
Theo ông Phùng Quốc Bình - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, tỉnh có 18 điểm cát biển có thể dùng san lấp nền. Kiên Giang đang thuê đơn vị đánh giá trữ lượng thăm dò hai khu vực nhưng chưa biết lấy kinh phí từ đâu.
Tỉnh đã giao Sở Tài chính xem lại quy định và hỏi lại Bộ Tài chính về kinh phí. Nếu thăm dò trữ lượng xong, doanh nghiệp trúng đấu giá hai khu cát biển này phải trả lại số tiền trên.
Thêm một mỏ cát trên sông Tiền được đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2024 nhằm phục vụ nhu cầu san lấp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Gang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.