vĐồng tin tức tài chính 365

Người Việt vận động sách cho học sinh Ấn Độ: Cảm động khi nghe các em hô vang 'cảm ơn Việt Nam'

2024-02-19 13:18
Ông Nguyễn Quang Thạch (đeo kính) tặng sách cho học sinh một trường trung học ở bang Maharashtra, Ấn Độ vào tháng 1-2024 - Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Quang Thạch (đeo kính) tặng sách cho học sinh một trường trung học ở bang Maharashtra, Ấn Độ vào tháng 1-2024 - Ảnh: NVCC

Đây là lần thứ ba ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình "Sách hóa nông thôn", sang Ấn Độ với sứ mệnh thúc đẩy văn hóa đọc tại quốc gia 1,5 tỉ dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ đầu xuân Giáp Thìn, từ Ấn Độ, ông Thạch nói: "Ấn Độ có số học sinh nông thôn lớn nhất thế giới và khoảng 200 triệu em vẫn chưa được tiếp cận sách đúng tiềm năng của họ. Việc thúc đẩy Thư viện lớp học ở Ấn Độ rất khó vì những rào cản về địa lý, văn hóa và ngôn ngữ. 

Tôi nhận thấy rằng đây là cơ hội để tôi khai thác tối đa tâm lực của mình. Ấn Độ là một thế giới thu nhỏ và thành tựu của mô hình Thư viện lớp học ở quốc gia này có thể trở thành nguồn cảm hứng và sức hấp dẫn đối với các nước khác trong việc thúc đẩy việc đọc sách của con trẻ".

Chúng tôi chân thành biết ơn Nguyễn Quang Thạch bởi Thư viện lớp học rất quan trọng và truyền cảm hứng đến chúng tôi và tất cả học sinh. Chúng tôi rất vui vì sự hỗ trợ sách đến từ những người Việt Nam tốt bụng và nhân văn. Cảm ơn nỗ lực kết nối của anh. Trường chúng tôi luôn chào đón anh.
Thầy Bhapkar S L (hiệu trưởng Trường Ma Dada Jadhavrao Vidhyalay Juni Jejuri, huyện Pune, bang Maharashtra, Ấn Độ)

Nguồn năng lượng kỳ diệu

* Tại sao làm tủ sách ở nhà (Việt Nam) chưa xong, người Việt đọc sách cũng chưa nhiều, nếu không nói là ít so với thế giới, ông lại đi Philippines và Ấn Độ làm sách?

- Tôi sang Philippines, Ấn Độ làm tủ sách vì chia sẻ tri thức không giới hạn bởi biên giới quốc gia và việc nhân rộng mô hình Sách hóa nông thôn Việt Nam (SHNT) tới các nước khác sẽ mang lại nhiều lợi ích đến người Việt Nam. 

Chẳng hạn, một số giáo viên Philippines tình nguyện hỗ trợ học sinh Việt Nam học tiếng Anh sau khi nhận Thư viện lớp học do người Việt chia sẻ vào tháng 12-2023.

Ông Santosh Jagtap đồng hành cùng ông Nguyễn Quang Thạch tặng sách cho trường học ở Ấn Độ - Ảnh: N.Q.T.

Ông Santosh Jagtap đồng hành cùng ông Nguyễn Quang Thạch tặng sách cho trường học ở Ấn Độ - Ảnh: N.Q.T.

Hồi nhỏ tôi đã học được từ việc làm và thả diều, rằng muốn diều lên cao thì dây diều phải dài. Vì vậy, tôi áp dụng triết lý này vào việc làm tủ sách ở Việt Nam và sau đó mở rộng sang các quốc gia khác. Hãy tưởng tượng "dây diều tủ sách" sang đến tận Ấn Độ, Philippines thì "diều tủ sách Việt Nam" sẽ lên cao như thế nào bởi "gió" thúc đẩy làm tủ sách ở Việt Nam đang tăng lên mỗi ngày.

Chương trình Sách hóa nông thôn tạo nên tác động rộng lớn trên quy mô quốc gia trong nhiều năm qua với hàng trăm ngàn người tham gia tạo nên hàng chục ngàn tủ sách ở nông thôn. Những học sinh nông thôn Việt Nam hưởng lợi từ hàng ngàn tủ sách dòng họ, tủ sách phụ huynh đặt trong lớp học, tủ sách giáo xứ... đã gửi sách đến học sinh Ấn Độ.

Khi thấy nhiều người Việt Nam ở trong và ngoài nước chia sẻ sách đến trẻ em Ấn Độ và biết đến việc tôi đi bộ 3.000km vận động sách vì tình nhân loại, thì ít nhất vài chục ngàn cử nhân, kỹ sư gốc nông thôn sẽ kêu gọi bạn bè đưa sách về quê. Hàng triệu cha mẹ học sinh nông thôn sẽ góp tiền mua sách giúp con có sách ở lớp học. 

Họ chính là những ngọn gió nâng "diều tủ sách nông thôn Việt Nam" bay cao và xa hơn. Bởi họ hiểu rằng tri thức và chia sẻ trách nhiệm xã hội là yếu tố chính đưa Việt Nam đến thịnh vượng và được tôn trọng.

Trong khi ở Ấn Độ, tôi vẫn sẽ tiếp tục kiến nghị các giải pháp gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam để thúc đẩy và khuyến khích việc đọc sách ở con trẻ. Khi đó, chính học sinh sẽ vận động cha mẹ, anh chị đi trước mang sách đến tay các em. Từ đó, hàng trăm ngàn tủ sách ở lớp học, gia đình, dòng họ, giáo xứ... sẽ được xây dựng ở khắp các tỉnh thành và các đầu sách hay sẽ luôn được cập nhật và bổ sung hằng năm.

* Cảm xúc của ông thế nào khi tặng sách cho học sinh Ấn Độ và nghe các em hô vang "Cảm ơn Việt Nam" ở một đất nước được coi là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại?

- Học sinh Ấn Độ chân đất, đầu trần trong nắng, mắt em nào cũng có chiều sâu tâm linh, trong đời sống các em có các vị thần Hindu, có thơ ca của Tagore, có tinh thần hòa bình của Mahatma Gandhi, bởi vậy khi bốn tiếng "Cảm ơn Việt Nam" vang lên nhiều lần tạo nên năng lượng vừa hòa ái vừa thôi thúc hướng thượng, làm tôi xúc động vô cùng. Nguồn năng lượng kỳ diệu ấy như giục đôi chân tôi nhanh lên đường vận động sách về nông thôn Ấn Độ.

Tôi nghĩ đến hàng tỉ lời "Cảm ơn Việt Nam" lan truyền khắp nơi là động lực thúc giục người Việt chúng ta tiếp tục giúp tất cả trẻ em có cơ hội được nghe và đọc hàng ngàn cuốn sách hay, được học qua làm, học qua vui chơi trong tự nhiên và trong công viên khoa học... 

Và một ngày không xa, Việt Nam sẽ là nơi sản sinh ra những sứ giả hòa bình và giáo dục như Mahatma Gandhi, Rabindranath Tagore, những chủ nhân giải Nobel, những nông dân biến hoang mạc thành rừng, những Mẹ Teresa giàu tình nhân loại...

Cơ hội cho hàng trăm triệu trẻ em nông thôn

Ông Nguyễn Quang Thạch và học sinh Ấn Độ bên tủ sách ông tặng từ nguồn đóng góp của người Việt Nam - Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Quang Thạch và học sinh Ấn Độ bên tủ sách ông tặng từ nguồn đóng góp của người Việt Nam - Ảnh: NVCC

* Có thể thấy hai điểm rất nổi bật trong tất cả những việc ông làm, đó là tính hành động (làm chứ không nói nhiều, không than khóc, "ném đá") và tính biểu tượng (truyền cảm hứng, khuyến khích, kêu gọi toàn xã hội cùng vào cuộc). Với chuyến đi Ấn Độ này, hai điểm nổi trội đó như thế nào?

- Ấn Độ là cường quốc về dân số, văn hóa, tôn giáo, tâm linh, khoa học vũ trụ... nhưng Ấn Độ chưa mạnh về kinh tế, thu nhập đầu người còn thấp. Trong các buổi trao sách, tôi mở đầu bằng tiếng Marathi rằng: "Tôi yêu đất nước Ấn Độ. Tôi yêu Mahatma Gandhi. Tôi yêu các em học sinh, bởi vậy tôi có mặt ở đây".

Tôi sử dụng tiếng Anh để chia sẻ với học sinh, thầy cô giáo và đối tác rằng tôi đến với các em bằng trái tim, bằng giải pháp Thư viện lớp học có sự tham gia của cha mẹ học sinh và cựu học sinh, bằng đóng góp sách của những người Việt Nam trong và ngoài nước, và bằng 3.000km đi bộ ở 29 bang của Ấn Độ vận động sách về nông thôn. Chúng ta cùng nhau nỗ lực để 20 năm tới, tất cả học sinh Ấn Độ được nghe và đọc sách như trẻ em Mỹ, Tây Âu và khi đó Ấn Độ là "nước Mỹ ở châu Á".

Giới tinh hoa và trung lưu rất muốn và đang nỗ lực để Ấn Độ trở thành cường quốc, bởi vậy tôi tin chắc họ sẽ hành động cùng tôi để mục tiêu trẻ em Ấn Độ được nghe và đọc sách như trẻ em Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản... sớm thành hiện thực.

Đối tác của tôi là Gyan-key, Arham Foundation và Swargiy Eknathkaka Jagtap Pratishthan Saswad đã và đang nỗ lực vì một Ấn Độ tốt đẹp hơn. Anh Santosh, một chủ trang trại kiêm giám đốc NGO - Swargiy Eknathkaka, sẽ tham gia đi bộ cùng tôi vào cuối năm nay. 

Tôi cũng đã kết nối với 600 nhà báo Ấn Độ. Và chắc chắn sẽ có hàng trăm triệu người Ấn Độ hành động vì sự phồn thịnh của đất nước. Người Việt còn hành động vì con trẻ Ấn Độ cơ mà!

* Kế hoạch thời gian tới, sau Ấn Độ, ông có tính sẽ đi đâu nữa không?

- Tôi sẽ tiếp tục hành trình với mục tiêu lan tỏa mô hình Thư viện lớp học do người Việt chia sẻ đến 30 quốc gia ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Ở mỗi quốc gia, tôi sẽ đi bộ khoảng 100km để vận động các tổ chức thúc đẩy việc áp dụng mô hình Thư viện lớp học giá thấp với sự tham gia tích cực của cha mẹ học sinh, cựu học sinh, và các thành viên xã hội khác.

Phổ biến tri thức thông qua mô thức Kinh tế chia sẻ ở chính cộng đồng thu nhập thấp - góp tiền nhỏ tạo tác động lớn và chủ nghĩa tình nguyện toàn cầu dựa trên nền tảng công nghệ kết nối ngày càng nhanh và mạnh sẽ giúp hàng trăm triệu trẻ em nông thôn trên thế giới tiếp cận tri thức tối đa và hội nhập toàn cầu.

* Ông đang kêu gọi cộng đồng mỗi người cho ông vay 25.000 đồng để làm "cuộc cách mạng sách". Tại sao lại 25.000 đồng và khoản vay này sẽ góp phần thay đổi thế giới như thế nào?

- Từ năm 2011, tôi kêu gọi mỗi người Việt chia sẻ trách nhiệm xã hội với 20.000 đồng/tháng. Trong 13 năm, tôi chỉ tiêu của xã hội 2,2 tỉ, trong đó có 550 triệu tiền giải thưởng Phổ biến tri thức của UNESCO và Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, nhưng tạo nên phong trào đưa sách về nông thôn với tổng trị giá khoảng 60 tỉ tiền sách, giúp ít nhất 2 triệu trẻ em có sách nghe và đọc ngang bằng học sinh con gia đình khá giả ở Hà Nội.

Học sinh và thầy cô giáo Ấn Độ rất vui khi biết những giáo viên nông thôn Việt Nam góp 25.000 đồng (tương đương 80 rupee) giúp học sinh của họ sách. Học sinh Ấn Độ nhận sách do học sinh Việt Nam chia sẻ đã sẵn sàng vận động cha mẹ góp 150 rupee mua sách để các bạn cùng lớp, cùng trường đọc chung. Đã có nhiều giáo viên Ấn Độ sẵn sàng góp 1.000 rupee làm Thư viện lớp học.

Cộng hợp 25.000 đồng của hàng trăm ngàn người Việt chia sẻ trong vòng 10 năm và 6.000km đi bộ, xe lăn ở Ấn Độ và 30 quốc gia khác của tôi sẽ là cơ sở quan trọng để tôi vận động người Ấn Độ, Philippines... chia sẻ khoảng 1 tỉ đô la mua hơn 500 triệu bản sách đưa đến tay hơn 200 triệu học sinh ở 8 đến 10 triệu lớp học.

Đóng góp 25.000 đồng, mỗi người sẽ được nhận lại hai cuốn sách do tôi viết và lời "Cảm ơn Việt Nam" vang vọng nơi nơi. Đặc biệt, khoản tiền nhỏ đánh thức tiềm năng lớn: mình góp tiền để trẻ em Ấn Độ, trẻ em nông thôn Việt Nam đọc sách, cớ sao mình không đọc sách nhỉ?!

* Ông Santosh Jagtap (chủ tịch tổ chức phi chính phủ Swa Eknath nana Jagtap Pratisthan, Ấn Độ):

Những con số truyền cảm hứng

Nguyễn Quang Thạch là người có đầu óc thực tế. Anh ấy luôn nói với thầy cô giáo, học sinh về Thư viện lớp học cần sự đóng góp của cha mẹ học sinh, cựu học sinh và chính thầy cô giáo như là cách tiếp cận mới.

Gặp bạn bè tôi, anh luôn vận động họ đưa sách về trường cũ. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng Thư viện lớp học với sự đóng góp chủ yếu của cha mẹ học sinh, cựu học sinh, thầy cô giáo vì nó rất khả thi và hiệu quả đối với việc đọc sách của học sinh.

Anh Thạch luôn luôn đưa vào tâm trí chúng tôi về 8 triệu Thư viện lớp học và 3.000km đi bộ vận động sách. Đó là những con số truyền cảm hứng và chúng tôi sẽ hành động cùng anh ấy.

Mục tiêu hơn 8 triệu thư viện lớp học

Nguyễn Quang Thạch là người khởi xướng phong trào Sách hóa nông thôn Việt Nam với mục tiêu giúp tất cả người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em, có sách nghe và đọc. Với triết lý "tốt cho đất nước mình thì tốt đối với đất nước khác", ông Thạch mở rộng Sách hóa nông thôn sang Ấn Độ, Philippines...

Ông Thạch sang Ấn Độ lần đầu vào năm 2019, lần thứ hai năm 2020 và đây là lần thứ ba nhằm mục tiêu xây dựng hơn 8 triệu Thư viện lớp học ở đất nước có 1,5 tỉ dân.

Hiện tại, ông Thạch cùng với sự chung tay của người Việt Nam đã lập được 60 thư viện trường học và lớp học ở các vùng nông thôn Ấn Độ.

Thầy cô không nghỉ hè làm sách chữ nổi cho học sinh mùThầy cô không nghỉ hè làm sách chữ nổi cho học sinh mù

TTO - "Hoàn toàn không nghỉ hè, năm nay tất cả các thầy cô đều tập trung vào trường để làm sách giáo khoa chữ nổi cho các em theo chương trình mới. Chúng tôi làm trong tinh thần sẵn sàng, tất cả là vì các em".

Xem thêm: mth.9833043281204202-man-teiv-no-mac-gnav-oh-me-cac-ehgn-ihk-gnod-mac-od-na-hnis-coh-ohc-hcas-gnod-nav-teiv-iougn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Người Việt vận động sách cho học sinh Ấn Độ: Cảm động khi nghe các em hô vang 'cảm ơn Việt Nam'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools