Ngày 19.2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, trong vòng nửa tháng qua (từ 2.2 - 16.2), bệnh viện đã tiếp nhận tiêm phòng bệnh dại cho 3.652 lượt người bị chó cắn, mèo cắn - cào. So với cùng thời điểm tết 2023 thì số người tiêm phòng bệnh dại giảm 281 lượt.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho thấy số tiêm trong ngày 10 và 11.2 (tức mùng 1 và 2 tết) rất cao, ngày 10 là 340 người và 316 người (so với 306 và 217 người vào mùng 1 và mùng 2 tết năm 2023).
Còn theo báo cáo của Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC, từ ngày 13 - 15.2 (mùng 4 - 6 tết) tại hơn 160 trung tâm thuộc hệ thống đã ghi nhận hơn 3.000 người đến tiêm ngừa bệnh dại, tăng hơn 60% so với ngày thường.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, hầu hết các trường hợp đến tiêm dại do bị chó cắn, mèo cắn - cào khi đi chơi dịp tết.
"Việc tăng giao lưu, di chuyển mùa lễ là một trong các nguyên do khiến số lượng tiêm ngừa bệnh dại tăng cao. Bên cạnh đó, việc các trung tâm tiêm chủng nghỉ tết khiến các trường hợp cần tiêm chủng tập trung đến tiêm vào những ngày đầu hoạt động trở lại", bác sĩ Chính nói.
Bác sĩ Chính thông tin, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Vi rút dại có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua mọi loại vết thương hở, không phân biệt lớn nhỏ, chảy máu hay không. Bệnh có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ từ 7 - 10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, ngón tay… có thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Tại Việt Nam, vi rút gây bệnh dại lưu hành ở hầu hết tỉnh, thành phố. Bộ Y tế ghi nhận năm 2023 cả nước có 82 trường hợp tử vong do dại, tăng 12 ca so với năm trước; 500.000 người phải chích ngừa bệnh dại, chi phí 600 tỉ đồng. Hầu hết các ca tử vong do bệnh dại đều không rõ lịch sử tiêm ngừa hoặc không tiêm khi bị chó, mèo cào và cắn.
Bác sĩ Chính lưu ý, khi bị chó mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cào, cần sơ cứu vết thương để giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Các bước sơ cứu có thể thực hiện ngay tại nhà gồm rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng trong 15 phút, sau đó rửa lại vết thương bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn iốt.
Sau bước sơ cứu, cần đến ngay trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ thăm khám và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Tuyệt đối không nên nặn máu, chà xát, tránh gây dập nát, không băng kín vết thương khiến vi rút dại xâm nhập nhanh hơn vào cơ thể.
Trước đó Thanh Niên đã thông tin, đã có 2 người bị chó cắn phát bệnh dại tử vong trong dịp tết vừa qua. Trường hợp thứ nhất là ông T.T.H (57 tuổi, chủ quán thịt chó ở xã Tân Phú, H.Thới Bình, Cà Mau) tử vong do bệnh dại ngày 12.2. Ông H. bị chó cắn vào thời điểm 5 tháng trước.
Trường hợp thứ 2 là bé gái T.T.H.T (4 tuổi, ngụ xã Tân Thắng, H.Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị phát bệnh dại và tử vong vào ngày 15.2 sau 9 ngày bị chó hàng xóm cắn 8 - 9 vết trên mặt.