Đầu năm 2022, báo chí thế giới rầm rộ đưa tin 1 phụ nữ Đức bị kết án 6 tháng tù về tội "trộm hạt giống" của bạn trai để sinh con. Đây được xem là bước ngoặt trong lịch sử tư pháp Đức - và có lẽ của cả thế giới - bởi từ trước tới nay chưa từng có "nữ đạo chích" nào bị phạt tù về hành vi này.
Nỗi ngậm ngùi của các ông bố bất đắc dĩ
Chuyện xảy ra vào năm 2021 giữa 1 phụ nữ 39 tuổi và người đàn ông lớn hơn mình 3 tuổi sống ở TP. Bielefeld, bang North Rhine-Westphalia, Đức. Cả hai đều được giấu tên - trong các vụ án dạng này, hầu hết "kẻ trộm" và "nạn nhân" không được nêu tên, thậm chí trong bản án chính thức của tòa, thường chỉ đưa tên luật sư thay mặt cho đương sự.
Cặp đôi này làm quen qua trang web hẹn hò và đến với nhau theo lối thoáng qua, với thỏa thuận miệng là sẽ không đi tới lâu dài và chẳng ai làm phiền ai, người đàn ông thường sẽ chủ động dùng các phương pháp tránh thai. Thế nhưng cũng giống như nữ thần Penia xưa, người phụ nữ trong vụ án này quá yêu người đàn ông và muốn ràng buộc anh ta bằng hôn nhân nên đã dùng cây kim chọc nhiều lỗ trên các bao cao su tránh thai mà bạn trai của cô để sẵn trên đầu giường, nơi đặt đèn ngủ. Sau một thời gian, cô tuyên bố với anh rằng mình có thai và thú nhận qua tin nhắn WhatsApp cách "lọt lưới". Người đàn ông sửng sốt, cảm thấy mình bị lừa dối, phản bội vì anh ta thực hiện đúng thỏa thuận. Sau khi thuyết phục không được, người đàn ông gửi đơn khiếu nại rằng mình bị tình nhân... giở trò!
Nghe thì có vẻ không thuận tai nhưng quả thực là có khá nhiều người đàn ông đã đi tù - thường là vài ba tháng - về tội xâm hại do các tòa án đã quen với án lệ rằng nếu trước cuộc yêu, hai bên đồng thuận rằng đàn ông phải đeo "vật bảo hộ" nhưng anh này lại công khai hoặc bí mật vi phạm. Trong vụ án này, các luật sư của bên bị đã cố gắng chuyển sang tội danh trộm cắp nhẹ hơn, bằng cách giải thích rằng người phụ nữ đã "bí mật lấy cái thuộc sở hữu của tình nhân". Tuy nhiên, nữ quan tòa Astrid Salewski lại cho rằng việc châm thủng "vật bảo hộ" là hành động vô hiệu hóa chúng và tuyên bố hành vi vô hiệu hóa bao cao su khiến nam giới ở tù thì tại sao không áp dụng hình phạt đó cho phụ nữ nếu họ châm lủng chúng?
Mặc dù vậy, các diễn biến tiếp theo của vụ án "lịch sử" này có phần giảm nhẹ: Người phụ nữ chỉ phải chịu án treo, còn tình nhân của cô cũng thở phào: Người tình của anh ta trên thực tế không có thai! Có thể cô ta nhầm, cũng có thể là muốn hăm dọa nhưng bất thành và vô tình tự hại mình.
Dư âm để lại
Bản án trên đã gây nhiều tranh cãi vì cho đến nay, phần lớn dư luận than thở rằng nam giới luôn thua thiệt trong các vụ "trộm hạt giống". Những "kẻ trộm" gần như không bao giờ bị xử lý hình sự; còn về dân sự trong 100% trường hợp, tòa án buộc người đàn ông phải cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản, tất nhiên nếu chứng minh được huyết thống - cho dù họ là "nạn nhân". Từ đây đã xuất hiện những "huyền thoại" kiểu như tin về "cô nàng Lọ Lem nhờ hạt giống" xuất hiện dày đặc trên báo chí thế giới những năm gần đây, nhưng sau đó được xác định là tin giả, trong đó nhấn mạnh nguồn gốc của khoản tiền khủng cấp dưỡng cho đứa con 4 tuổi của một nữ nhân viên dọn vệ sinh. Cô gái nhặt được chiếc bao cao su có tinh trùng trong 1 phòng khách sạn ở Las Vegas (Mỹ) và dùng nó tự thụ tinh cho mình. Dù cô không hề biết mặt hay từng gặp tỷ phú công nghệ 26 tuổi - chủ nhân của "vật" nọ - nhưng anh ta đã cho cô 2 triệu USD để nuôi con.
Sau tin này, nhiều ý kiến chỉ trích rằng giá trị "hạt giống" của đàn ông ngày nay còn thua "hạt giống" của bò đực - thứ được mệnh danh là "vàng trắng". Bằng chứng là chỉ trong 10 năm trở lại đây, các tòa án trên thế giới mới chỉ bắt đầu chấp nhận đền bù "tinh thần"- nguyên văn ngôn từ trong các bản án - cho những khiếu kiện của nam giới rằng họ bị mất trộm "hạt giống" - như được nêu trong loạt bài này. Còn về trị giá đền bù, mức cao nhất cho đến nay chỉ là 110.000 đồng shekel (tương đương 28.000 USD), trong khi 1 con bò đực giống siêu đẳng có thể tạo ra doanh thu nhờ bán tinh phối giống là 800.000 USD! Hơn thế nữa, 100% các báo cáo mất tinh trùng bò đực được cảnh sát nghiêm túc xử lý, thậm chí còn tổ chức truy tìm trên diện rộng như trường hợp mất 60 bình chứa tinh trùng bò vào tháng 12/2022 tại Đức. Trong khi đó, cho đến nay số "kẻ trộm hạt giống" người bị ra tòa chỉ đếm được trên đầu ngón tay!
Đằng sau sự so sánh mang tính bông đùa này là câu chuyện pháp lý nghiêm túc mà cảnh sát, cơ quan công tố và tòa án đều phải đối mặt với thái độ bối rối kéo dài.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.750951_us-hcil-na-uv-1-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc