Khu tái định cư hoàn thành năm 2021 nhằm đưa người dân ở vùng sạt lở xã Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị) vào ở. Một số hộ dân đã di dời vào nhưng do nhiều bất tiện, họ về lại nơi ở cũ.
Khu tái định cư chỉ có 2 hộ dân
Khu tái định cư phục vụ 45 hộ với 171 nhân khẩu, tổng mức đầu tư hơn 6,7 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ có 2 anh em ruột Hồ Văn Phưn và Hồ Văn Phon sinh sống.
Do nhà tái định cư chật hẹp, vợ chồng anh Phưn mở rộng thêm một phòng kế bên, lát lại gạch nền.
Từ khi lên tái định cư, 2 vợ chồng khoanh thêm một mảnh đất phía sau để làm vườn nhưng không cây gì lên được.
"Đất đai cằn cỗi mà gió thì quá mạnh nên tôi trồng ớt, tiêu hay thanh long đều chết", chị Hồ Thị Mó, vợ Phưn, nói.
Mùa nắng thiếu nước sinh hoạt nên chị Mó phải về thôn cách 1km để tắm giặt. "Ở đây không có vườn, không có đất, chồng phải đi làm thuê, họ kêu gì làm đó. Điểm trường có nhưng không có học sinh nên 2 con phải đi học ở trung tâm xa đến 5km. Ban ngày tôi ở nhà một mình không có ai nói chuyện, buồn lắm", chị Mó nói.
Chị Mó cho hay do nhà ở làng cũ bị sạt lở vùi lấp hoàn toàn, chứ không cũng đã trở về.
Ba năm trước, một số hộ dân dọn lên đây nhưng vì thiếu đất sản xuất, thiếu nước nên họ bỏ về hết. Gian bếp, mảnh vườn không người chăm sóc xiêu vẹo, mục nát, khô héo.
Theo quan sát của Tuổi Trẻ Online, các căn tái định cư chia làm 4 dãy san sát nhau. Nhiều nhà bên trong trống không, chỉ có một vài hòn gạch, bao xi măng chai cứng. Một số nhà hỏng mái tôn, cửa kính vỡ.
Do người dân không ở nên điện lực cắt điện, thu gom đồng hồ, dây điện vương vãi giữa đường bê tông. Cạnh đó, điểm trường tiểu học bỏ hoang, cỏ lác mọc um tùm.
Xây thêm nhà vệ sinh để kêu dân vào ở
Trong khi khu tái định cư bỏ hoang, xã Hướng Sơn tận dụng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư 45 nhà vệ sinh, công trình cấp nước sạch với số vốn gần 1,8 tỉ đồng.
Ông Lê Trọng Tường - chủ tịch UBND Hướng Sơn - cho hay: "Dân viện đủ lý do để không vào ở. Anh em bàn đủ cách để vận động nhưng rất khó, áp lực cho địa phương. Đầu tư nhà vệ sinh để đầy đủ hạ tầng nhằm vận động dân vào ở".
Ông Tường cho hay sẽ huy động người dân đào cây bản địa về "phủ xanh" khu tái định cư, do cả khu này không có một bóng cây xanh. Hiện xã đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiếp tục vận động dân cam kết vào ở.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, khu tái định cư này chỉ mới cấp đất ở, thiếu đất sản xuất và đất làm chuồng trại, các hộ dân vẫn sản xuất ở nương rẫy cũ cách 3 - 4km.
Do đó, sở này đề nghị huyện Hướng Hóa bố trí đất sản xuất gần khu tái định cư, tạo điều kiện cho người dân yên tâm phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống tại khu tái định cư, tạo sinh kế ổn định lâu dài, nâng cao thu nhập cho người dân.
TTO - Hàng ngàn căn hộ, nền đất phục vụ tái định cư (gọi tắt là nhà tái định cư) tại TP.HCM và Hà Nội với giá trị hàng ngàn tỉ đồng bị "bỏ hoang" nhiều năm nay gây lãng phí và tốn tiền bảo trì, bảo dưỡng.