Hiện nay EVNHCMC quản lý và cung ứng điện từ cấp điện áp 220kV đến cấp điện áp 0,4kV, cung cấp điện cho hơn 2,7 triệu khách hàng của TP.HCM.
Khởi đầu từ những điều cơ bản nhất
Theo đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM, quá trình xây dựng và phát triển lưới điện thông minh trải qua 4 giai đoạn.
Từ năm 2010 - 2013 là giai đoạn tự tìm tòi, nghiên cứu xác định hướng công nghệ lưới điện thông minh. Từ năm 2014 - 2015 bắt đầu thực hiện thí điểm trên quy mô nhỏ để đánh giá, làm chủ công nghệ. Từ năm 2016 - 2020, xác định lộ trình xây dựng và tập trung triển khai diện rộng trên toàn địa bàn. Từ năm 2021 - 2025, tập trung phát triển lưới điện thông minh theo chiều sâu.
Qua quá trình 13 năm thực hiện, lưới điện thông minh trên địa bàn TP.HCM đã có đầy đủ các cấu phần theo đúng chuẩn quốc tế gồm: Giám sát và điều khiển; Phân tích dữ liệu; Độ tin cậy cung cấp điện; Tích hợp nguồn phân tán; Năng lượng xanh; An ninh bảo mật; Dịch vụ khách hàng.
Năm 2017 là dấu mốc lớn nhất của quá trình xây dựng phát triển lưới điện thông minh khi EVNHCMC đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển từ xa đầu tiên, có khả năng giám sát và điều khiển từ xa lưới điện toàn thành phố (TP) theo thời gian thực.
"Để có được bức tranh hoàn chỉnh về lưới điện thông minh trước hết cần sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ lãnh đạo Tổng công ty. Chúng tôi đã có những định hướng đúng đắn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phát huy được nguồn nhân lực nội bộ, thực hiện nghiên cứu, triển khai ứng dụng các sáng kiến, các đề tài nghiên cứu khoa học theo định hướng công nghệ mới, tiên tiến của thế giới. Từ đó thí điểm và đề xuất các mô hình hay trong công tác chuyển đổi số, phát triển lưới điện thông minh",
Ông Luân Quốc Hưng (Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC)
Đầu năm 2022, EVNHCMC đưa vào vận hành trung tâm thứ hai. Điểm đặc biệt của trung tâm này là hoạt động độc lập và dự phòng cho trung tâm thứ nhất.
Ngành điện TP bắt đầu triển khai đại trà phát triển lưới điện thông minh vào năm 2018. Khởi đầu, đơn vị đã hoàn tất chuyển đổi 100% trạm biến áp 110kV không người trực. Các trạm vận hành dựa trên việc ứng dụng các công nghệ SCADA điều khiển từ xa, hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, hệ thống camera giám sát an ninh.
Nâng cấp hơn nữa, trong năm 2023 EVNHCMC hoàn tất nghiệm thu và đưa vào vận hành trạm biến áp kỹ thuật số 110kV đầu tiên ở Tân Phú Trung (huyện Củ Chi). Trạm này có công nghệ mới, tiên tiến nhất hiện nay.
Mới đây nhất vào tháng 9 năm 2023, Tổng công ty đã hoàn tất triển khai dự án "Xây dựng thí điểm lưới điện có tích hợp năng lượng tái tạo và hệ thống pin tích trữ năng" tại Công ty Viễn thông Công nghệ thông tin. Dự án nhằm sử dụng hiệu quả, tối ưu các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, góp phần chủ động nâng cao chất lượng điện năng cung cấp cho các phụ tải có tính chất quan trọng tại chỗ.
Đón nhận sự công nhận quốc tế
Trải qua 13 năm xây dựng và phát triển, ngành điện TP.HCM đã hoàn tất triển khai hệ thống tự động hóa giám sát, điều khiển từ xa cho 100% lưới điện trung thế, nhờ đó càng nâng cao được độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện. Hiện nay, hệ thống có thể tự động phát hiện và xử lý sự cố cực kỳ nhanh chóng mà không cần sự can thiệp của nhân viên vận hành. Qua đó, thời gian tái lập cung cấp điện cho khách hàng khi có sự cố giảm từ 60-120 phút xuống còn ít hơn 1 phút.
Trong giai đoạn từ 2015 đến cuối 2023, EVNHCMC cho biết số lần mất điện trung bình đối với mỗi khách hàng của ngành điện TP giảm từ 6,72 lần xuống còn 0,18 lần. Thời gian mất điện trung bình giảm từ 720 phút xuống còn 15,2 phút/mỗi khách hàng.
Theo kết quả đánh giá chỉ số lưới điện thông minh của Tập đoàn năng lượng quốc gia Singapore năm 2022, mức độ thông minh của lưới điện TP.HCM đạt 71,4/100 điểm, xếp hạng 47/94 công ty điện lực có triển khai lưới điện thông minh trên thế giới và đứng thứ hai trong khối Asean. Vị thế của ngành điện TP ngang bằng một số công ty điện lực tiên tiến của Mỹ, Úc, Canada và Malaysia.
Gần đây, tại trung tâm triển lãm quốc tế ICE BSD Jakarta (Indonesia), Tổng công ty Điện lực TP.HCM cùng hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới đã tham gia hội nghị quốc tế Enlit Asia - thương hiệu hợp nhất của triển lãm công nghiệp sản xuất điện châu Á (PowerGen Asia) và tuần lễ điện lực châu Á (Asean Utility Week) bắt đầu được triển khai từ năm 2014.
Trong đêm chung kết giải thưởng Power Energy Award - Enlit Asia 2023, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã nhận giải thưởng cao nhất ở hạng mục "Dự án hệ thống tự động hóa lưới điện cao trung thế".
Kết quả này chính là sự công nhận của quốc tế đối với các nỗ lực đầu tư, xây dựng, phát triển lưới điện thông minh của ngành điện TP.HCM.
Phấn đấu vào top các công ty điện lực hàng đầu Châu Á
Giai đoạn tạo nền móng đã qua, thời gian tới ngành điện TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa lưới điện thông minh. Lãnh đạo EVNHCMC cho biết đã xây dựng Kế hoạch phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu phát triển một cách đồng bộ, toàn diện, tập trung vào các mảng công tác còn thấp điểm như "Năng lượng xanh" và "Tích hợp nguồn điện phân tán".
Nỗ lực đến năm 2025, các lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng điểm và nâng cao thứ hạng dựa trên thang điểm đánh giá theo bộ chỉ số của Singapore. Qua đó, giúp TP đạt mục tiêu tối ưu hóa phát thải và Tổng công ty sẽ có lưới điện thông minh tiệm cận trình độ với các công ty điện lực hàng đầu Châu Á -Thái Bình Dương.