Công ty hình ảnh thương mại HEO Robotics của Úc đã chụp được hình ảnh vệ tinh quan sát Trái đất ERS-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vào ngày 14-2, khi vệ tinh này bị cháy trên đường rơi trở lại Trái đất.
Vệ tinh ERS-2, hay Viễn thám châu Âu 2, được phóng vào năm 1995 và dành 16 năm quan sát Trái đất từ không gian, cho đến khi sứ mệnh của nó kết thúc vào năm 2011.
Trong khoảng thời gian 2 tháng trong năm 2011, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã thực hiện hàng chục hoạt động phá hủy quỹ đạo của ERS-2 để nó hạ cánh an toàn khi rơi về Trái đất. Và chuyến trở về của nó cuối cùng sẽ diễn ra trong tuần này.
Thông tin từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu, ERS-2 dự kiến rơi trở lại Trái đất vào lúc 10h19 sáng 21-2 giờ ET (10h19 tối 21-2 giờ Việt Nam), có thể dao động sớm hoặc muộn trong khoảng 19 giờ.
Về khoảng thời gian không chắc chắn trên, theo ESA là do "ảnh hưởng của hoạt động không thể đoán trước của Mặt trời đến mật độ của bầu khí quyển Trái đất". Điều này có thể thay đổi lực cản lên vệ tinh trên đường đi xuống.
Hiện nay vẫn còn quá sớm để biết nó sẽ rơi xuống đâu, nhưng ESA sẽ biết rõ hơn khi càng gần đến thời điểm vệ tinh trở về.
ESA giải thích việc quay trở lại của ERS-2 như vậy là hoàn toàn bình thường và an toàn. ERS-2 đã đốt hết nhiên liệu còn lại trong quá trình diễn tập hủy quỹ đạo của nó vào năm 2011.
Họ cũng khẳng định việc hạ cánh của ERS-2 đã được lên kế hoạch cẩn thận, để đảm bảo nó không va chạm với các tàu vũ trụ hoặc mảnh vụn không gian khác.
"Không có chất độc hại hay phóng xạ"
Các quan chức ESA cho biết vệ tinh ERS-2 nặng 2.294 kg khi trống rỗng như hiện nay, khá lớn đối với một mảnh rác vũ trụ.
ERS-2 dự kiến sẽ vỡ thành các mảnh nhỏ hơn khi nó đạt tới độ cao khoảng 80 km phía trên Trái đất, phần lớn trong số đó sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển. Một số có thể rơi xuống bề mặt Trái đất nhưng dự kiến sẽ rơi xuống đại dương và “không có mảnh nào trong số này chứa bất kỳ chất độc hại hoặc chất phóng xạ nào”, ESA nhấn mạnh.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các vệ tinh quân sự sẽ tham gia cuộc tập trận theo dõi tên lửa vào cuối năm 2024.