Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, giữa tháng 2/2024, nông dân địa phương đã thả nuôi được trên 5.200 ha thủy sản các loại, chủ yếu tôm sú, tôm thẻ, nghêu… Bà con đã thu hoạch đầu vụ được gần 17.000 tấn thủy sản nuôi các loại.
Chia sẻ với TTXVN lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2024, Tiền Giang có kế hoạch đưa trên 14.700 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, tạo nguồn nông sản hàng hóa với sản lượng thu hoạch dự kiến trên 200.000 tấn tôm cá các loại phục vụ nhu cầu thị trường. Từ đó, đưa việc nuôi trồng thủy sản trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế nông nghiệp của địa phương. Đáng mừng là đầu năm, giá tôm thương phẩm tăng khá, nông dân các vùng nuôi rất phấn khởi.
Những ngày vừa qua, giá tôm sú đang ở mức 120.000 - 225.000 đồng/kg tùy cỡ, tăng 6.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước; tôm thẻ cũng có giá khoảng 82.000 - 118.000 đồng/kg tùy cỡ, tăng 9.000 - 15.000 đồng/kg so tháng trước.
Nói về vụ tôm lần này ông Lê Thành Tăng cư ngụ tại ấp Kênh Nhiếm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông chuyển 1 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi tôm thẻ cho biết, tôm thẻ nuôi mỗi năm được 2 vụ, vụ thứ nhất thường kéo dài trong khoảng 4 tháng, thả giống khoảng tháng 1 và thu hoạch vào tháng 4; vụ thứ 2 thả giống khoảng tháng 5 và thu hoạch vào khoảng tháng 9. Tôm thẻ nuôi theo mô hình thâm canh đạt năng suất bình quân từ 5 - 6 tấn/ha/vụ.
Cũng theo ông Lê Thành Tăng, hiện nay mới vào vụ sản xuất thứ nhất trong năm, sản lượng thu hoạch chưa nhiều trong khi nhu cầu thị trường trong các tháng dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh. Đó là một trong những lý do khiến giá tôm nói chung, tôm thẻ nói riêng tăng khá, mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho bà con vùng nuôi tôm Tiền Giang.
Là địa phương nằm ven biển Nam Bộ, án ngữ hai cửa sông lớn là Soài Rạp và Cửa Tiểu, Tiền Giang có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng nuôi thủy sản ở các vùng sinh thái theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả nghề nuôi thủy sản, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người dân; nhất là những địa bàn khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt như ven biển, ven cửa sông, khu vực nhiễm phèn Đồng Tháp Mười...
Đối với những địa bàn ven biển như, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, tỉnh định hướng phát triển những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, vùng nuôi tôm thâm canh, vùng nuôi luân vụ lúa + tôm, vùng nuôi theo mô hình công nghệ cao 2 - 3 giai đoạn…
Trên huyện cù lao Tân Phú Đông, Tiền Giang đã quy hoạch các vùng nuôi trọng điểm như: vùng nuôi thủy sản Nam Gò Công ở xã Phú Tân, vùng dự án 230 ha ở xã Phú Đông, vùng dự án nuôi thủy sản công nghệ cao 352 ha tại ấp Cồn Cống (xã Phú Tân) và vùng dự án nuôi thủy sản công nghệ cao gần 30 ha tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân.
Các vùng nuôi kể trên có lợi thế nằm ở hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông, chủ yếu nuôi tôm thẻ, tôm sú và các đối tượng nuôi thủy sản mặn - lợ khác có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra vực huyện Gò Công Đông định hình những vùng nuôi thủy sản tập trung tại ven biển canh tác khó khăn trước đây như: vùng nuôi Bắc Gò Công chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ xuất khẩu; vùng nuôi nghêu có diện tích khoảng 2.200 ha tập trung ở ven biển xã Tân Thành gắn với phát triển du lịch sinh thái biển.
Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu địa bàn ven biển khó khăn, Tiền Giang còn hình thành vùng nuôi thủy sản theo mô hình tôm + lúa khoảng 130 ha tại xã ven biển Phú Tân (Tân Phú Đông), lớn nhất tỉnh Tiền Giang.
Nuôi theo mô hình 1 vụ tôm và 1 vụ lúa/năm, nông dân thu lợi nhuận ròng từ 50 - 70 triệu đồng/ha. Qua khảo sát của địa phương, 100% hộ dân nuôi theo mô hình tôm - lúa tại đây đều vượt khó, thoát nghèo và làm giàu; trong đó, ông Hà Văn Hải, cư ngụ tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong sản xuất - kinh doanh giỏi với mô hình tôm - lúa mà dựng nên cơ nghiệp bền vững.
Không chỉ riêng tỉnh Tiền Giang, nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.
Đáng chú ý theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.
Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 10 tỷ USD năm 2024
Theo VTV so với mục tiêu tăng trưởng thận trọng đặt ra cuối năm 2023, mùa kinh doanh cao điểm lễ tết vừa qua đã giúp cho ngành thuỷ sản tự tin với mục tiêu xuất khẩu đạt 9,5-10 tỷ USD trong năm 2024. Thị trường ấm dần lên, đơn hàng tăng trở lại, các doanh nghiệp trong ngành nhận định, mục tiêu đặt ra có cơ sở để hoàn thành.
Thích ứng nhanh, phục hồi tốt là kỳ vọng ngành thuỷ sản đặt ra năm 2024. Thận trọng với các kế hoạch kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì đơn hàng ở thị trường trọng điểm và có thêm đơn hàng ở các thị trường ngách. Ngay trong quý đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã đón nhận tin vui khi đơn hàng có sự cải thiện rõ rệt so với thời điểm này năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, với tín hiệu lạc quan ở các tháng đầu năm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp, ngành thuỷ sản sẽ đón nhận những khởi sắc trong vấn đề tiêu thụ, có kỳ vọng xuất khẩu trong khoảng 10 tỷ USD.
"Ngoài việc triển khai các giải pháp, các đề án được Chính phủ phê duyệt, chúng ta đẩy mạnh chế biến, xúc tiến thương mại. Với thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, chúng ta đã có những nghị thư, sắp tới đây tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung’ - ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu ý kiến.
Nhận định của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, ngành tôm đang hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, các mặt hàng hải sản còn lại dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD. Thị trường sẽ phục hồi dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm.
Trúc Chi (t/h)