Người dân từ các tỉnh đổ về TP.HCM sau những ngày vui Tết. Nhiều người đi trên các tuyến cao tốc từ miền Trung vào TP.HCM trong suốt gần hai tuần lễ qua cho biết: "Tôi đi vô từ mùng 5 thì khúc nào cũng kẹt và có đoạn cao tốc bị chặn, hướng dẫn xe đi hướng quốc lộ. Đường cao tốc lúc cho chạy, lúc đóng lại không cho xe lên".
Đây là giải pháp mà theo lực lượng cảnh sát giao thông, việc đóng mở cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hướng Bình Thuận đi TP.HCM (phân luồng phương tiện đi xuống quốc lộ 1) sẽ được thực hiện linh hoạt, liên tục nhằm điều tiết lưu lượng xe các tỉnh thành từ miền Trung, miền Bắc vẫn còn đổ vào quá lớn.
Việc đóng cao tốc trong mấy ngày này là điều cần thiết, càng đáng được hoan nghênh khi giải pháp này được lực lượng chức năng cam kết thực hiện linh hoạt và thực tế đang diễn ra như vậy.
Tuy nhiên, tình trạng lưu lượng xe đi ra hay đổ về TP.HCM trước và sau Tết Nguyên đán đã thành một vấn đề "xuyên thế kỷ". Các giải pháp cho dù ngắn hạn hay chiến lược dài lâu cần sự xắn tay của nhiều bên chứ không riêng lẻ bộ ngành, địa phương nào.
Hiện tượng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí các tuyến cao tốc hiện đại đã trở thành "nỗi ám ảnh" của người dân, đặc biệt dịp lễ Tết. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu lần lượt hoàn thành 3.000km và 5.000km đường cao tốc vào các năm 2025 và 2030. Mục tiêu nói lên quyết tâm tìm ra giải pháp rốt ráo nâng cấp, tối ưu cơ sở hạ tầng.
Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết kế đường cao tốc (Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến, hoàn thiện để ban hành trong quý 1-2024) có nội dung như thiết kế cao tốc phải theo quy định phải có tối thiểu 4 làn xe với 2 làn mỗi chiều, tốc độ không thấp hơn 60 km/h, bắt buộc thu phí tự động không dừng...
Các tuyến cao tốc cần được triển khai vừa nhanh, vừa phải bảo đảm quy chuẩn này cũng là một giải pháp dài lâu để xóa dần hình ảnh tắc nghẽn giao thông trong các dịp lễ Tết.
Việc "đóng, mở" cao tốc ở các nước cũng đã thực hiện linh hoạt và liên tục từ lâu. Khác chăng, thay vì cần lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn, các nước dùng chính ngay trạm thu phí trên cao tốc được trang bị hệ thống thu phí điện tử tự động linh hoạt DyETC (Dynamic Electronic Toll Collection).
DyETC là một giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm giảm kẹt xe tại các trạm thu phí giao thông trên cao tốc. DyETC mang đến sự khác biệt khi cung cấp lời giải thông minh "mức phí linh hoạt", giá tiền mỗi lượt xe qua trạm thu phí có thể thay đổi theo từng thời điểm, lưu lượng giao thông và tuyến đường. Hệ thống tích hợp vào ứng dụng trực tuyến, khuyến khích người tham gia giao thông đi các tuyến đường khác ít tắc nghẽn hơn, không bị thu phí.
Ngoài tăng tốc di chuyển qua trạm thu phí, giảm thời gian chờ đợi, lợi ích của hệ thống DyETC còn giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải, nâng cao hiệu quả quản lý khi giúp cơ quan chức năng theo dõi và giám sát lưu lượng giao thông hiệu quả hơn, góp phần xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hiện đại và an toàn.
Cần những giải pháp công nghệ tương tự để điều tiết giao thông khi cao tốc quá tải. Tinh thần giải quyết vấn đề quan trọng hơn giải pháp kỹ thuật, công nghệ. Trong đó, quy chuẩn về bắt buộc thu phí tự động không dừng chính là cái nhìn thấu đáo của nhà hoạch định khi biết rõ trạm thu phí là cũng là nguyên nhân gây ùn tắc trên các tuyến cao tốc.
Một vụ tai nạn liên hoàn 7 xe đã xảy ra trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khiến nhiều xe hư hỏng nặng, kẹt xe kéo dài hướng về TP.HCM.