Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hoá Aakash Doshi của Citi tại Bắc Mỹ, vàng hiện đang giao dịch quanh mức 2.016 USD/ounce. Giá vàng có thể tăng 50% nếu các ngân hàng trung ương tăng mua vàng, hoặc lạm phát đình trệ xuất hiện hoặc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra.
Ngân hàng trung ương tăng mua vàng
Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Con đường khả thi nhất để vàng đạt mức 3.000 USD/ounce là sự tăng tốc của một xu hướng hiện có nhưng diễn biến chậm. Đó là phi đô la hoá trên khắp các ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi. Từ đó dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào đồng USD”.
Citi cho biết hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã “tăng tốc lên mức kỷ lục” trong những năm gần đây. Họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro tín dụng. Các ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu hoạt động mua vàng. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng tăng cường mua vàng miếng.
Hội đồng Vàng Thế giới báo cáo rằng các ngân hàng trung ương thế giới trong tháng 1 đã duy trì 2 năm liên tiếp mua hơn 1.000 tấn vàng ròng.
Nhà phân tích Doshi nói: “Nếu con số đó tiếp tục tăng nhanh gấp đôi lên 2.000 tấn, chúng tôi nghĩ rằng điều đó thực sự sẽ rất có lợi cho vàng”.
Một cuộc suy thoái toàn cầu?
Một yếu tố khác có thể đẩy vàng lên mức 3.000 USD là “suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc”. Điều này có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất nhanh chóng. Song, nhà phân tích Doshi cho biết kịch bản này có xác suất thấp.
Giá vàng thường có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có nguồn lợi cố định như trái phiếu. Lãi suất chuẩn của FED hiện ở mức từ 5,25% đến 5,5%, cao nhất kể từ vụ nổ bong bóng dot-com năm 2001.
Lạm phát đình trệ có thể là một chất xúc tác khác. Đây là khi tỷ lệ lạm phát gia tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Tuy nhiên, ông Doshi cho biết "khả năng xảy ra kịch bản như vậy là rất thấp".
Vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn và có xu hướng hoạt động tốt trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Các nhà đầu tư sẽ tránh xa các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.
Nếu bỏ 3 chất xúc tác này sang một bên, Citi vẫn khẳng định giá vàng thỏi có thể đạt 2.150 USD/ounce vào nửa cuối năm 2024. Ông Doshi cho biết thêm rằng kỷ lục mới có thể đạt được vào cuối năm 2024.
Giá dầu đạt mức 100 USD/thùng?
Một kịch bản khác cũng được nhấn mạnh trong báo cáo của Citi là giá dầu đạt mức ba chữ số.
Doshi cho biết, chất xúc tác khiến dầu đạt 100 USD/thùng bao gồm rủi ro địa chính trị gia tăng, việc OPEC+ cắt giảm sâu hơn và sự gián đoạn nguồn cung từ các khu vực sản xuất dầu quan trọng.
Ảnh hưởng lớn duy nhất lúc này là các cuộc tấn công của Houthi vào các tàu chở dầu và các tàu khác đi qua Biển Đỏ.
Citi cho biết nhà sản xuất dầu lớn Iraq đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Bất kỳ sự leo thang nào khác đều có thể gây tổn hại cho các nhà cung cấp lớn của OPEC+ trong khu vực.
Doshi cho biết Iraq, Iran, Libya, Nigeria và Venezuela dễ bị gián đoạn nguồn cung, với chính sách trừng phạt nghiêm khắc hơn của Mỹ đối với Iran và Venezuela có thể xảy ra.
Các nhà phân tích của Citi không loại trừ rủi ro địa chính trị ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ Nga. Ông Doshi dự đoán rằng giá dầu nước này sẽ ở mức khoảng 75 USD/thùng trong năm nay.
Giá dầu Brent tương lai giao dịch ở mức 83,56 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tương lai của Mỹ đứng ở mức 79,13 USD/thùng.
Theo CNBC