vĐồng tin tức tài chính 365

Tín dụng tăng trưởng âm

2024-02-20 12:38

Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến cuối tháng 1, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Diễn biến này có phần ngược chiều với con số tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong tháng 12 năm trước, cũng như quyết tâm đẩy nhanh tín dụng của cơ quan điều hành ngay từ đầu năm nay.

"Tín dụng giảm trong tháng 1 là tình trạng chung những năm gần đây", Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận xét. Theo ông, nguyên nhân đầu tiên là tính chất quy luật của thị trường. Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, doanh nghiệp hạn chế vay nợ đầu năm mới. Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó.

"Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ 'room' tín dụng toàn bộ ngay từ đầu năm, rất rộng rãi. Tín dụng giảm trong tháng 1 không phải do cơ chế chính sách", Phó thống đốc khẳng định.

Hội nghị tìm giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 20/2, tại Hà Nội. Ảnh: SBV

Hội nghị tìm giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 20/2, tại Hà Nội. Ảnh: SBV

Theo CEO Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, đến hết tháng 1, dư nợ cho vay của ngân hàng này giảm 2,3%, tương ứng khoảng 30.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỷ, còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng.

Với mảng tín dụng bán lẻ, nguyên nhân cho vay giảm trong tháng 1 do xu hướng vay bất động sản tiêu dùng suy giảm. "Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm", ông Tùng giải thích và nói thêm, số dự án mới được cấp phép cũng ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế.

Ở khía cạnh bán buôn, vướng mắc pháp lý là vấn đề lớn với nhu cầu đầu tư, mở rộng của nhiều doanh nghiệp. Vietcombank cho biết đã phối hợp với khách hàng để tháo gỡ khó khăn, nhưng xử lý vướng mắc pháp lý cần nhiều thời gian. Ngoài ra, trong bối cảnh này, doanh nghiệp cũng ngần ngại đầu tư mới, mở rộng kinh doanh, dẫn tới giảm vay vốn. Một yếu tố đặc thù của Vietcombank là tỷ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn thường chiếm tỷ trọng lớn. "Dư nợ cho vay thanh toán quốc tế có yếu tố thời vụ. Tâm lý chung của khách hàng là ngại vay nợ trong tháng đầu tiên của năm", CEO Vietcombank cho biết.

Tương tự Vietcombank, dư nợ tín dụng của BIDV cũng giảm 1,25% so với cuối năm trước, tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện nhà băng này cho biết, mức giảm này là "thường thấy những năm gần đây".

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, cũng cho rằng, vấn đề tăng trưởng tín dụng hiện tại chỉ phụ thuộc ở phía doanh nghiệp.

"Chưa khi nào khách hàng vay vốn có điều kiện thuận lợi như bây giờ. Với những khách hàng tốt, các ngân hàng thậm chí còn tranh nhau rất quyết liệt", CEO Agribank nói. Theo ông, việc dư nợ cho vay giảm còn một lý do khác là khách hàng chuyển ngân hàng vay, bởi những cạnh tranh về lãi suất, chính sách đang rất quyết liệt.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các nhà băng ngay đầu năm với định hướng tăng trưởng cả hệ thống năm 2024 là 15%. Việc cấp chỉ tiêu và chủ động điều chỉnh hạn mức (room) cho từng nhà băng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành so với mọi năm, khi "room" thường chia nhiều đợt và yêu cầu các nhà băng gửi đề nghị.

Đầu tháng 2, khi kết quả tăng trưởng tín dụng thấp, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các nhà băng phải đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng. Cơ quan điều hành cũng yêu cầu tăng trưởng phải đúng, trúng mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng phải hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng nhiều lần có các công điện về việc đẩy vốn ra nền kinh tế.

Cuối tháng 11/2023, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm từ việc điều hành tín dụng chậm trong năm 2022. Theo ông, việc điều hành cần kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Minh Sơn

Xem thêm: lmth.8233174-ma-gnourt-gnat-gnud-nit/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Tín dụng tăng trưởng âm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools