Nhiều người thấy những người đàn ông đi nhặt rác không cần được trả lương đã tỏ ra nể phục, quý mến và thường dí dỏm gọi họ là những người "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
Cần mẫn nhặt rác làm sạch biển
Buổi sáng sớm một ngày giữa tháng 2-2024, khi dân làng biển Mỹ Hòa còn chìm trong giấc ngủ, thì 9 người đàn ông đội bảo vệ rùa biển và san hô của Vườn quốc gia Núi Chúa đã mang bao tay, bao tải, sọt tre… đi về phía bờ biển Mỹ Hòa bắt đầu công việc nhặc rác.
Đang thoăn thoắt nhặt từng mảnh rác bị gió đẩy vào bờ biển, anh Nguyễn Song Hỷ (thành viên đội bảo vệ rùa biển và san hô) cho biết việc nhặt rác đã được nhóm duy trì từ năm 2009 đến nay.
"Làm việc nhỏ mà góp phần làm sạch môi trường biển ở chính quê hương mình sinh ra và lớn lên cảm thấy vui lắm" - anh Hỷ tâm sự.
Làm công việc "bao đồng" này hơn 10 năm qua, ông Lê Ráng (58 tuổi, thành viên đội bảo vệ rùa biển và san hô) chia sẻ: "Từ những việc nhỏ của mình mà nhiều người dân ở địa phương đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với làng biển Mỹ Hòa vốn nổi tiếng là nơi hội tụ các "ván thủ" của bộ môn lướt ván diều".
Ông Phạm Anh Dũng - phó trưởng phòng bảo tồn tài nguyên rừng và biển Vườn quốc gia Núi Chúa - cười nói: "Mặc dù làm công việc không lương nhưng với tấm lòng đối với biển, không muốn vẻ đẹp của biển bị rác thải hủy hoại, mà 9 người đàn ông này đã tình nguyện nhặt rác ngay khi có thời gian rảnh rỗi".
Ngược về vịnh Vĩnh Hy ở thôn Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), chúng tôi tiếp tục được nghe tiếp câu chuyện hơn 3 năm nhặt rác "không lương" của nhóm "Vĩnh Hy xanh - sạch - đẹp".
Công việc nhặt rác được các thành viên trong nhóm duy trì và thực hiện rất đều đặn vào các ngày trong tuần, phạm vi nhặt rác là dọc tuyến kè biển của thôn Vĩnh Hy, công viên, các tuyến đường nội thôn và tuyến đường ven biển Vĩnh Hy - Bình Tiên (đoạn qua thôn Vĩnh Hy).
Ngoài nhặt rác trong thôn xóm, các thành viên còn nhặt rác ở một số điểm du lịch trong vịnh Vĩnh Hy như bãi Làng Bà, bãi Phụ, bãi Cóc…
Đang cần mẫn nhặt từng bịch rác bị sóng biển đánh dạt vào bờ, anh Châu Thanh Hồng - trưởng nhóm - cho biết: "Mặc dù công việc không lương nhưng các thành viên ai cũng làm hết tâm, hết sức. Khi khách du lịch đến đây khen vịnh Vĩnh Hy sạch đẹp, chúng tôi rất vui và lấy đó làm động lực tiếp tục hành trình".
Cũng theo anh Hồng, sau khi thấy được hiệu quả mà nhóm đem lại, người dân ở đây đã ủng hộ và cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường. Có thời điểm có 30 người dân, học sinh… cùng tham gia với nhóm đi nhặt rác.
Thay đổi nhận thức người dân
Là một người đam mê du lịch trải nghiệm tại vịnh Vĩnh Hy, chị Phạm Thị Hồng Thủy (ở TP.HCM) nói: "Đến du lịch vịnh Vĩnh Hy, tôi rất ngạc nhiên và cảm phục khi thấy nhiều người tình nguyện nhặt rác, nhắc nhở nhau bảo vệ môi trường".
Ông Nguyễn Viết Kinh Luân - phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải - cho biết việc làm thiết thực của đội bảo vệ rùa biển và san hô của Vườn quốc gia Núi Chúa và nhóm "Vĩnh Hy xanh - sạch - đẹp" đã khiến người dân thay đổi nhận thức, giảm hẳn tình trạng vứt rác bừa bãi.
Điều đáng mừng là hiện nay rác thải trên bờ, dưới mặt nước tại vịnh Vĩnh Hy đã giảm rất nhiều so với trước đây. Biển trở nên sạch đẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn cho du khách, nhân dân.
"Thời gian tới địa phương sẽ nhân rộng mô hình này để mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Có như vậy mới thu hút khách du lịch đến với địa phương ngày càng nhiều hơn" - ông Luân nói.
'Thấy mọi người gọi tới bảo cháu đậu thủ khoa gì đó thì thiệt bụng tui cũng mừng nhưng hỏi mãi mới hiểu thủ khoa nó là gì', mẹ thủ khoa Phan Văn Trường tâm sự.