Không ít gia đình đã chi tiền triệu để mua các loại máy lọc nước ion kiềm trên thị trường.
Từ đó, nước uống ion kiềm đã trở thành nước uống phổ biến thông dụng hằng ngày của nhiều gia đình vì tin rằng loại nước này tốt cho sức khỏe. Vậy thực hư ra sao?
Nước ion kiềm quảng cáo như "nước tiên"
Để thu hút được khách hàng sử dụng nước ion kiềm, hiện nay loại nước này được quảng cáo rầm rộ trên thị trường như loại "nước tiên" có công dụng điều trị bách bệnh, thậm chí cả ung thư.
Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm "nước ion kiềm" trên công cụ tìm kiếm, hàng loạt các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website có bài viết quảng cáo công dụng thần kỳ nước ion kiềm.
Tài khoản Facebook L.T. quảng cáo tám công dụng "thần thánh" nếu sử dụng nước ion kiềm như loại bỏ các gốc tự do có hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa của tế bào, cải thiện vận tốc máu và tim mạch, tăng sức mạnh, tốt tiêu hóa, chắc xương, đẹp da...
"Bạn muốn loại bỏ chất độc từ thực phẩm và cảm thấy an tâm hơn? Nước ion kiềm có thể giúp đào thải chất độc từ bên ngoài thực phẩm. Tuy nhiên, nếu chất độc đã tiếp xúc với thực phẩm, hiện tại vẫn chưa có phương pháp khoa học để loại bỏ chúng.
Vì vậy, việc uống đều đặn nước ion kiềm pH 8.5 - 10 là cách tốt nhất để đào thải độc tố" - một tài khoản Facebook quảng cáo, hối thúc người mua.
Nhiều tài khoản cho rằng nước ion kiềm có những đặc tính khác biệt so với nước thông thường, có thể giúp chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh một cách hiệu quả, giúp thải độc nhanh axit ra khỏi cơ thể, hết hẳn mệt mỏi, mùi rượu nồng nặc ở cơ thể cũng... hết luôn.
Thậm chí, nhiều loại máy tạo ion kiềm còn được quảng cáo có thể tạo độ pH cực cao 11-11.5, dùng rửa thuốc bảo vệ thực vật rất tốt. Những loại máy lọc nước này có giá rất đa dạng, từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Bên cạnh máy lọc nước ion kiềm, trên thị trường còn nhiều loại nước đóng chai ion kiềm với giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/chai.
Tin tưởng vào lời quảng cáo, thêm vào đó nhiều trang mạng điện tử cũng thông tin về các nghiên cứu của các nước về lợi ích của nước ion kiềm, gần đây chị Hoa (ngụ ở Hà Nội) quyết định sắm một máy lọc nước ion kiềm để sử dụng trong gia đình.
"Nước là thức uống hằng ngày nên tôi cũng muốn mua để người thân sử dụng cho an toàn. Đặc biệt là hiện nay nhiều nguồn nước bị ô nhiễm nên càng cần cẩn trọng. Tôi mua bộ máy lọc nước 30 triệu", chị Hoa chia sẻ.
Cùng mong muốn này, từ lời giới thiệu của bạn bè cho rằng nước ion kiềm có tác dụng tốt với sức khỏe, chị H.T. (29 tuổi, TP.HCM) cũng đã sử dụng nước ion kiềm từ nhiều năm nay.
Mặc dù gia đình đông người, chi phí để mua loại nước này uống khá đắt, nhưng chị T. vẫn quyết định để gia đình sử dụng vì an tâm cho sức khỏe.
"Mình cũng không biết được thực sự loại nước này có tốt cho sức khỏe không, chỉ nghe lời bạn bè giới thiệu. Đến nay mình đã uống được 3-4 năm, còn thực sự có tác dụng với sức khỏe ra sao mình cũng không biết.
Thời gian sắp tới mình có dự định mua luôn máy lọc ion kiềm để tiết kiệm chi phí, không phải mất thời gian đổi nước mà chi phí lại cao", chị T. cho hay.
Chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định tác dụng
Bác sĩ Phan Tất Khánh Dương - tổ trưởng tổ dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn - cho biết nước ion kiềm là nước có độ pH trong khoảng 8.5 - 9.5, dùng uống trực tiếp mà không cần đun sôi, mang vị dịu mát tự nhiên dễ chịu, trong lành và thanh khiết cho người uống.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác về các công dụng của nước uống ion kiềm như giải rượu bia, tăng đề kháng, bảo vệ đường ruột, chậm quá trình lão hóa...
"Nước ion kiềm đóng chai có chứa một thành phần quan trọng là chất điện giải, tốt cho cơ thể nhưng không phải là thuốc, do đó loại nước này không thể giúp chữa bệnh", bác sĩ Dương cho hay.
Bác sĩ Dương cũng cho biết thêm lợi ích mà nước ion kiềm mang lại cho sức khỏe vẫn chưa được kiểm chứng.
Một số tác hại do việc uống nước ion kiềm quá nhiều có thể kể đến như rủi ro về việc phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể, dẫn đến tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa (độ pH trong máu tăng lên trên mức bình thường), gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, co giật cơ, run tay, ngứa ran ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân.
Còn bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho rằng có thể hiểu một cách đơn giản rằng pH của dịch dạ dày từ 0,9 - 1,5 nên có tính axit rất cao.
Vậy khi uống cốc nước kiềm yếu, lập tức kiềm ấy bị axit trong dạ dày trung hòa, cốc nước sẽ biến thành dịch có tính axit. Vậy không thể nói rằng uống nước kiềm hay ăn thực phẩm kiềm là có lợi, còn uống nước axit hay ăn thực phẩm axit là có hại cho sức khỏe.
"Tuy nhiên, các quốc gia đưa ra tiêu chuẩn pH trong nước uống, mục đích là để bảo vệ đường ống và bảo vệ môi trường. Có thể nói dễ hiểu hơn là nước chạy trong đường ống mà pH thấp sẽ ăn mòn kim loại, xả ra hồ ao thì tôm cua cá sẽ chết, tưới cây thì cây héo; đó là lý do để các quốc gia quy định tiêu chuẩn pH trong nước uống. Liên minh châu Âu quy định nước uống ở vòi giá trị pH từ 6,5 -9,5", bác sĩ Phúc cho hay.
Trong hóa học, người ta quen sử dụng nồng độ ion hydro để đo độ axit, độ kiềm của dung dịch và biểu thị bằng giá trị pH, nước có tính axit: pH < 7,0; nước trung tính: pH = 7,0; nước có tính kiềm: pH > 7,0.
Bác sĩ Phúc dẫn chứng theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), Hướng dẫn về chất lượng nước uống (CDWQ) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chỉ thị nước uống (DWD) của EU, độ pH của nước thường không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của con người.
Nhiều người uống nước RO có tính ion kiềm giàu hydrogen nhằm mục đích nâng cao sức khỏe, phòng chữa bệnh tật, ung thư... Nhưng theo phân tích của các chuyên gia, lượng kiềm dư thừa trong cơ thể có thể gây ra các vấn đề đối với sức khỏe.