Sau hai tháng nghiên cứu, nhóm gồm bốn sinh viên Lê Trùng Dương, Phan Chí Bảo (khoa cơ điện tử), Nguyễn Ngọc Khoa (khoa sư phạm Anh) và Nguyễn Thị Nhi A (khoa quản lý công nghiệp) của Trường Bách khoa, Trường đại học Cần Thơ đã cho ra sản phẩm hoàn chỉnh với tên gọi "Sào phơi quần áo tự động".
Giải quyết vấn đề của người dân
Sản phẩm này được các bạn nghiên cứu trong môn học "Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng" - môn tự chọn dành cho các bạn sinh viên khối ngành kỹ thuật.
Bạn Lê Trùng Dương cho biết sào phơi đồ có thể kéo ra vào chỉ trong 7 giây, đối với mưa nhỏ rơi trúng cảm biến vẫn nhận được tín hiệu.
"Cấu tạo sào phơi đồ gồm có: phần khung phủ mái để che quần áo lúc thu vào, động cơ, dây đai thu kéo, điều khiển tích hợp bên trong máy. Trong đó, bộ phận cảm biến là quan trọng nhất vì có thể nhận diện giọt nước nhểu lên và phát tín hiệu để dây kéo đồ vào, hết mưa tấm cảm biến khô thì sẽ kéo quần áo trở lại. Ngoài ra, người dùng còn có thể chủ động điều khiển bằng remote.
Sản phẩm của chúng tôi có thể chịu lực từ 8-10kg, tương đương khoảng 8 bộ đồ. Sào có thể tháo lắp dễ dàng và nếu ra thị trường thì giá sẽ dao động từ 3 - 3,5 triệu đồng" - Dương nói.
Sào có bánh xe di chuyển, chiều dài khoảng 2m, cao 1,5m. Phần hộp mái được làm bằng nhựa dẻo có chiều dài 50cm, cảm biến được lắp trên mái.
"Nhóm mong muốn giải quyết được nhu cầu phơi quần áo bên ngoài của người dân, đỡ tốn thời gian mang quần áo ra vô. Và đối với những người không đủ kinh phí mua máy giặt có tích hợp sẵn máy sấy thì sào phơi tự động này sẽ giải quyết được vấn đề của người dùng" - Phan Chí Bảo chia sẻ.
Có thể thương mại hóa
Dự tính thời gian tới nhóm sẽ cải tiến về kích thước để người dân có thể sử dụng trong căn nhà nhỏ hoặc chung cư, tăng tốc độ thu kéo, tích hợp cảm biến để hạn chế việc quần áo ướt trước khi mưa nặng hạt.
Theo TS Trần Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường Bách khoa, Trường đại học Cần Thơ, sản phẩm hoàn toàn có thể thương mại hóa vì đáp ứng nhu cầu thiết thực.
"Sản phẩm các bạn làm xong có thể ứng dụng luôn, còn có thể làm theo kích thước lớn nhỏ tùy nhu cầu của người dùng. Do các bạn bị thiếu kinh phí, muốn sản phẩm ra thực tế ổn định thì phải làm nhiều phiên bản thử nghiệm, điều chỉnh lại dựa trên kết quả thực tế người dùng sử dụng thử" - ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết nghiên cứu này các bạn làm khi học môn "Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng". Đây là môn tự chọn, khi học các bạn phải đi tìm nhu cầu khách hàng, thực hiện giải pháp để giải quyết nhu cầu khách hàng, tìm tòi để làm sản phẩm. Tham dự môn học này các bạn học hỏi được nhiều kinh nghiệm, không chỉ lý thuyết mà còn có kỹ năng giúp ích cho công việc sau này.
Được biết sản phẩm của nhóm vừa được gửi tham gia cuộc thi dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng do Đại học bang Arizona (của Mỹ) phối hợp với Dow Việt Nam tổ chức.
Môn học gắn với thực tế
Chúng tôi chọn học môn "Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng" vì nó sát với những vấn đề thực tế của xã hội. Sau khi học xong môn học, chúng tôi có thêm những góc nhìn khách quan hơn cũng như được tiếp cận với những dự án có tính sáng tạo và thực tế với những đề tài khác nhau. Qua đó giúp chúng tôi có thêm những kinh nghiệm về thiết kế cũng như hoàn thiện sản phẩm.
Sinh viên Phan Chí Bảo
Đam mê tàu ngầm, bạn Phan Trần Phú (sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP.HCM) đã tạo được 10 mô hình mô phỏng y như thật.