Đằng sau những câu chuyện ly hương vì công ăn việc làm là bao cảnh đời của trẻ em và cả những người già cũng đang thiệt thòi và khao khát tình thương gia đình.
Làng của người già và con nít
Từ ngày mùng 4 Tết cho đến khoảng mùng 10, trên tuyến quốc lộ trước nhà tôi (Hà Tĩnh) lúc nào cũng tấp nập xe khách ra Hà Nội, Bắc Ninh hay vô Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai…
Và có cả những tuyến taxi được thuê chạy thẳng ra sân bay Nội Bài dành riêng cho những "người đi nước" (đi xuất khẩu lao động).
Thanh thiếu niên, đàn ông, phụ nữ về ăn Tết rồi lại đi. Làng quê từ chỗ đông vui ngày Tết nay vắng hẳn. Quê tôi từng được lên báo với hình ảnh những khu toàn nhà cao tầng, nhà nhà có ô tô vì cả làng đi xuất khẩu lao động.
Nhưng ở một góc nhìn khác, cùng với cảnh sung túc đó là những đứa trẻ sống xa cha mẹ nhiều năm, những ông bà già tuổi nghỉ hưu lại phải gồng mình lo nuôi dạy cháu, vất vả hơn cả nuôi con ngày trước.
Cha mẹ của trẻ hoặc đi làm ở Hà Nội, Bình Dương, Sài Gòn… mỗi năm về quê một lần hoặc xuất ngoại đi Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… 3 - 5 năm về quê một lần.
Trường mẫu giáo và tiểu học gần nhà tôi sau mỗi giờ tan học rất hiếm cảnh cha mẹ đón con, thay vào đó là ông bà nội ngoại đến rước cháu. Và nếu hỏi "cha mẹ đâu không đón?" thì sẽ luôn nhận được câu trả lời: đi nước, đi Bình Dương, đi Sài Gòn…
Điều đáng nói những ông bà U60, U70 thuộc thế hệ xưa nay phải gồng gánh nuôi dạy những đứa trẻ thời đại YouTube, Facebook, TikTok nên nảy sinh vô số chuyện.
Từ chuyện cho đứa nhỏ ăn phải mở YouTube, đến chuyện đứa lớn đòi mua xe điện, smartphone đời mới rồi thử thách đủ trào lưu trên mạng.
Trong một lần đi họp phụ huynh cho con gái 4 tuổi, tôi nghe một người bà chăm cháu phải thốt lên: "Nhờ cô có cách nào bảo cháu về nhà đừng đòi điện thoại. Bà giấu ở đâu cũng tìm ra được". Đứa trẻ ấy, theo cô giáo chủ nhiệm, 4 tuổi nhưng nói chưa rõ ràng.
Anh họ tôi đi xuất khẩu lao động cách đây ba năm khi vợ vừa có bầu, Tết nay anh về con không chịu gọi cha, đến khi cha con quen nhau thì anh lại bay đi làm tiếp.
Con gái anh đến trường rồi về nhà luôn thắc mắc: "Sao các bạn đều có ba đón về nhà, còn con thì không có?". Anh chị tôi chọn cách mua sắm đủ thứ cho con như một kiểu bù đắp. Nhưng có lẽ điều con cái thèm nhất là được sống bên cha mẹ.
Mong ước an cư, đoàn tụ
Tôi rời thành phố về quê sống đến nay đã gần ba năm. Tôi vui mừng chứng kiến làng quê đạt chuẩn nông thôn mới với toàn nhà cao, đường rộng…
Và tôi cũng nhận thấy những đứa trẻ thiếu thốn sự chăm sóc của cha mẹ và nỗi niềm của những người già cô đơn… Người già trẻ nhỏ nương tựa vào nhau vì không còn sự lựa chọn khác.
Còn những người cha, người mẹ dù rất muốn an cư cùng con cái, ông bà nhưng… Đưa con theo lên thành phố sợ không lo nổi chi phí ăn ở, học hành.
Để con ở quê, chi phí này có thể chỉ bằng khoảng 1/3 nhưng họ chịu gánh nặng về tinh thần: xa con, xa gia đình! Và khi đặt lên bàn cân, họ phải chọn vế thứ hai.
Ở các tỉnh đã có các khu công nghiệp, có nhiều việc làm hơn trước. Nhưng nhiều người dù đã lập gia đình vẫn chọn vô Nam, ra Bắc hoặc "đi nước" vì thấy ở xa thu nhập và cuộc sống tốt hơn.
Đó là chưa kể áp lực "nhà, xe" khiến nhiều gia đình trẻ bỏ sản xuất ở quê, quyết đi xuất khẩu lao động cả vợ lẫn chồng chỉ mong "đủ tiền mua xe ô tô" vì làng xóm có ô tô cả rồi.
Sau những ngày sum vầy dịp Tết rồi chia xa, tôi nghĩ làm sao để cha mẹ có thể sống cùng con cái mình dù ở quê hay phố. Chứ như thực trạng bây giờ đã và sẽ khiến những gia đình mỗi người một ngả.
Cậu bé Võ Nguyễn Thái Bảo ở Phú Yên có lẽ sẽ được gặp mẹ sau khi câu chuyện lan tỏa, nhiều người lên tiếng muốn giúp đỡ.
Thật mừng cho em, nhưng cũng thật buồn vì rất nhiều cô bé, cậu bé khác ở mọi miền đất nước cũng đang có khát khao đoàn tụ tương tự? Ai sẽ giúp những đứa trẻ này?
Buồn này con chia sẻ cùng ai?
Những đứa trẻ trong tình cảnh này dồn nén yêu thương, không biết chia sẻ cùng ai ngoài ông bà.
Có trường hợp ông bà đang nuôi cháu, dù có bệnh trong người nhưng vẫn giấu con đi làm ăn xa, vì sợ tạo thêm gánh nặng! Ít ai than vãn áp lực nuôi cháu nhưng ai cũng có những mong cầu được gặp con cái, mong được trò chuyện, mong lúc ốm đau có người kề bên, mong được nghỉ ngơi tuổi già…
Họ cứ thế, cần mẫn thay con nuôi cháu trong hoang mang về khoảng cách thế hệ, về thời thế, về mạng xã hội…
Không phải đứa trẻ nào cũng có thể nói nhớ cha, nhớ mẹ. Thậm chí, có đứa sống quen với ông bà, lâu ngày không gặp còn nói "không cần cha mẹ".
Câu chuyện cậu bé 10 tuổi định đạp xe từ Phú Yên vào Bình Dương để gặp người mẹ đi làm xa lay động lòng người trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn.