Năm 2024, nợ trái phiếu đáo hạn của nhóm doanh nghiệp bất động sản ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, lên tới 120 ngàn tỷ đồng. Mặc dù được nhận định tiếp tục là một năm đầy thách thức, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời điểm khó khăn nhất của trái phiếu bất động sản đã qua, khi Nhà nước đã có những tháo gỡ kịp thời về chính sách, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có tiếng nói chung, giảm bớt áp lực phải thanh toán hay mua lại trước hạn.
Thông tin mới nhất trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, chủ đầu tư dự án One Central HCM - dự án đắc địa nằm ngay trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh đã gia hạn thành công 10 lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng thêm 1-2 năm, với mức lãi suất được giảm từ hơn 11% xuống còn 8% một năm. Theo các chuyên gia, gia hạn nợ trái phiếu là một giải pháp tốt nhất hiện nay để các chủ đầu tư, các doanh nghiệp có thêm thời gian thực hiện việc tái cơ cấu các nguồn tài chính, thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh, sớm thu hồi vốn, thanh toán các khoản nợ.
Theo các thành viên thị trường, việc các nhà đầu tư cũng như các tổ chức phát hành đã học được cách thương lượng với nhau để có thể gia hạn hoặc cấu trúc lại nợ trái phiếu, là một trong các yếu tố giúp thị trường tiến triển theo hướng tích cực hơn.
Thị trường trái phiếu bất động sản đang tích cực hơn
Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị SaigonRatings nhận định: "Các doanh nghiệp bất động sản đến đáo hạn nhưng thời điểm khó khăn nhất hiện nay đã qua đối với họ, được Nhà nước tháo gỡ rất nhiều về vấn đề chính sách và vấn đề pháp luật để cho các dự án khởi động lại. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu huy động vốn để tiếp tục tái khởi động các dự án".
Ngoài ra, yếu tố khác giúp thị trường trái phiếu bất động sản tích cực hơn là mặt bằng lãi suất đang xuống thấp, thanh khoản ngân hàng dồi dào. Đây được xem là nền tảng hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp, gia tăng cơ hội phục hồi sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Giám đốc - Trưởng bộ phận đầu tư trái phiếu - Dragon Capital Việt Nam cho biết: "Hiện giờ, nợ ngân hàng, lãi suất thấp hơn rất nhiều, từ đó tạo nền tảng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là riêng các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ giảm đi gánh nặng đối với các khoản nợ mà họ đang có".
Theo đại diện hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, những doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn trong thời gian vừa qua đã thực hiện rất mạnh mẽ việc cơ cấu lại đầu tư, bán chuyển nhượng dự án, thậm chí bán lỗ để có nguồn vốn xử lý nợ.
Và không chỉ dừng lại ở đó, việc tái cấu trúc này sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2024 để các doanh nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới ổn định hơn.
"Tất cả doanh nghiệp bất động sản này đều chống chịu và vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Tất cả doanh nghiệp đều đang nỗ lực để tái cấu trúc lại doanh nghiệp, coi việc tái cấu trúc doanh nghiệp là công việc thường xuyên, tái cơ cấu lại đầu tư, tái cơ cấu lại sản phẩm để chuyển hướng sản phẩm về nhu cầu thực" - ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn ở phía trước khi việc gia hạn thời gian trả nợ về cơ bản chỉ là việc chuyển nghĩa vụ thanh toán từ thời điểm này sang thời điểm khác. Do đó, việc "hóa giải" được khó khăn của trái phiếu bất động sản không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tái cơ cấu của từng doanh nghiệp mà còn là sự phục hồi tích cực trở lại của thị trường bất động sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.4472200112204202-nahk-ohk-yk-ioht-auq-coub-nas-gnod-tab-ueihp-iart/et-hnik/nv.vtv