vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ 3: Vụ kiện gian nan của người đàn ông bị "trộm giống"

2024-02-21 14:31

Cẩn thận vẫn mất

Năm 2002, sau khi sinh được đứa con trai, vợ chồng ông Layne Hardin và bà Katherine LeBlanc quyết định để ông triệt sản. Có thể ở tuổi 44, ông Hardin muốn tu tỉnh sau khi từng có nhiều bạn gái. Để bày tỏ sự tôn trọng với người đầu ấp tay gối đã vài chục năm, ông ký hợp đồng với một ngân hàng tinh trùng ở Houston, bang Texas, Mỹ và gửi ở đó một lượng tinh trùng đựng trong 8 ống thủy tinh nhỏ bằng cọng rơm. Theo hợp đồng, nếu ông Hardin chết hoặc ông và người vợ 40 tuổi ly dị thì bà sẽ là người duy nhất được tiếp cận và sử dụng số "giống" trên để thụ thai. Tiền lưu ký được hai vợ chồng thanh toán hàng năm, nếu không đúng hạn thì sau 1 năm, số "giống" đó sẽ bị hủy.

Ông Layne Hardin
Tobie Devall

Năm 2006, ông Hardin và bà LeBlanc chia tay, không lâu sau đó ông hẹn hò và sống chung với Tobie Devall (19 tuổi). Vài năm tiếp theo, có vẻ như hai người muốn thắt chặt quan hệ hơn bằng một đứa con, nên ông Hardin đã đưa Tobie tới phòng khám phụ khoa, nhờ đó cô biết ông Hardin ký gửi "giống" và dường như cả hai có bàn tới chuyện sinh con. Một số người quen của cả ông Hardin lẫn cô bé Tobie còn nhớ ông có vẻ phấn khởi và khoe sẽ có con! Tuy nhiên, chẳng ai xác nhận ông đã đồng ý để Tobie tiếp cận "kho báu" đông lạnh của mình.

Sau 2 năm, mối quan hệ giữa ông Hardin và Tobie bắt đầu lung lay nhưng vẫn gượng kéo dài thêm được 1 năm nữa. Vì không có hôn thú nên việc chia tay của hai người diễn ra từ từ, lặng lẽ. Khoảng 1 năm sau, bất ngờ Tobie quay lại gặp ông Hardin và báo 1 tin sét đánh: Cô đã có con với ông!

Tất nhiên, ông Hardin hiểu ngay lý do từ đâu Tobie có thể sinh con với mình. Ngân hàng tinh trùng cho biết, ngày 26/10/2009, tức là trong giai đoạn "dùng dằng nửa ở nửa đi", Tobie đã tới ngân hàng lấy 2 "cọng rơm vàng" của ông Hardin rồi đem ngay đến phòng khám trong cùng 1 tòa nhà để thụ thai nhân tạo.

Cuộc chiến pháp lý rối rắm

Mục tiêu cuộc gặp của Tobie với ông Hardin rất đơn giản: chỉ vì tiền! Nhưng điều kiện cụ thể thì cả hai lại không thống nhất được nên Tobie dứt khoát từ chối nhìn nhận quyền làm cha của ông Hardin và không cho ông gặp mặt cậu con trai mới sinh. Hai bên bước vào cuộc chiến pháp lý kéo dài tới năm 2013 dù chưa có kết quả nhưng chi phí kiện tụng đã ngốn của ông Hardin hơn 50.000 USD nên người cha bất đắc dĩ này quyết định "mở mặt trận thứ hai": vận động vợ cũ LeBlanc cùng đứng tên kiện cả người tình Tobie lẫn ngân hàng tinh trùng.

Quá trình làm rõ, cơ quan điều tra rất ngạc nhiên không hiểu ngân hàng tinh trùng quản lý ra sao khiến Tobie có thể qua mặt họ lấy được 2 ống tinh trùng của ông Hardin. Thực tế họ không kiểm tra hợp đồng hay giấy tờ tùy thân của người nhận và xử sự với "giống" của ông Hardin rất "bất cẩn" khi bỏ chúng vào cái bao giấy đựng thức ăn đường phố! Tobie nằng nặc cho rằng ông Hardin muốn cô có con và cho phép dùng "giống" của ông để thụ thai, nên kiên quyết chối bỏ tuyên bố trên, còn ngân hàng lại đổ lỗi cho ông Hardin đã không báo cho họ về sự thay đổi.

Năm 2015, vụ án được đưa ra xét xử tại Tòa sơ thẩm hạt Harris, bang Texas với kết quả là Ban bồi thẩm gồm 3 người thống nhất rằng phía ngân hàng phải bồi thường cho vợ chồng ông Hardin - bà LeBlanc mỗi người 250.000 USD, trong khi Tobie trả cho ông Hardin 125.000 USD và bà LeBlanc 250.000 USD để đền bù tổn thất tinh thần đã gây ra cho 2 nạn nhân. Mặc dù vậy, chủ tọa phiên tòa cho rằng Ban bồi thẩm nhận định không đúng nên đã ra phán quyết ngược lại ý kiến của họ: Hạ tiền bồi thường xuống còn 1.900 USD - tương đương giá trị của 2 ống tinh trùng.

Lập luận của quan tòa là cần phân biệt các nguyên nhân khiến vợ chồng ông Hardin bị ảnh hưởng tinh thần. Nếu nỗi đau đó phát sinh từ sự ra đời, nuôi dưỡng của một đứa trẻ thì đó sẽ là nỗi đau khổ tự nhiên, do đó không có cơ sở để đền bù; còn nếu chúng xuất phát từ việc mất 2 ống tinh thì mức đền bù chỉ bằng giá trị của 2 ống ấy. Giả sử cô Tobie đem vứt 2 ống tinh đó vào sọt rác thì vợ chồng ông Hardin sẽ không khởi kiện vì họ chẳng cảm thấy dằn vặt gì cả.

Ông Hardin và bà LeBlanc chống án lên Tòa phúc thẩm của bang Texas. Bản án xét xử tháng 6/2017 về cơ bản y án sơ thẩm, nhưng bảo lưu quyền của ông Hardin yêu cầu Tobie bồi thường tổn thất tinh thần do các hành vi cố ý gây đau khổ về tinh thần (IIED) cho ông ta - tức là hành vi nói dối và cách cô ngăn cản ông tiếp xúc với con mình.

Sau bản án phúc thẩm này, chẳng ai biết liệu ông Hardin và vợ cũ có đòi được quyền lợi của mình hay không. Trong khi ông và các luật sư bày tỏ sự thất vọng về sự rối rắm phức tạp nhưng vẫn chưa đủ mạnh để trừng phạt những kẻ "trộm giống" một cách trắng trợn như Tobie.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Vụ trộm hy hữu của hai tình nhân khiếm thính
(CATP) Năm 2016, một người đàn ông Israel đã khởi kiện người phụ nữ "trộm" tinh trùng của mình để cho ra đời 2 đứa trẻ song sinh, nhưng Tòa án gia đình Jerusalem ngày 04/9/2018 đã ra phán quyết bác bỏ cáo buộc này, người đàn ông vẫn phải trả tiền cấp dưỡng nuôi con cho tới tuổi thành niên. Mặc dù vậy, tòa cũng buộc người phụ nữ phải đền bù "tổn thất tinh thần" cho bên nguyên bằng một khoản tiền.
 
NGA NGUYỄN

Xem thêm: lmth.131951_gnoig-mort-ib-gno-nad-iougn-auc-nan-naig-neik-uv-3-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Kỳ 3: Vụ kiện gian nan của người đàn ông bị "trộm giống"”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools