Lừa đảo qua bói toán, giải hạn tăng mạnh
Dịp đầu năm mới, tình trạng lừa đảo qua kiểu nhận lì xì và bói toán nở rộ với nhiều người sập bẫy. Đối tượng lừa đảo đã giả mạo người quen của nạn nhân, ngân hàng và gửi lì xì qua mạng xã hội hoặc nền tảng nhắn tin, thông thường là các đường dẫn liên kết (link). Khi nhấp vào đường link, người dùng có thể bị lộ thông tin và trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục đưa thông tin khuyến cáo người dân không nên sa đà vào hình thức tâm linh, cũng như cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối (Đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, dịp đầu năm, theo phong tục, nhiều người sẽ lựa chọn đi khấn bái với mong muốn một năm mới bình an, phát tài.
Lợi dụng yếu tố tâm linh, tín ngưỡng này nhiều đối tượng hành nghề mê tín, dị đoan sẽ hoạt động tích cực vào dịp này. Theo sự phát triển của công nghệ, hành vi lừa đảo ngày càng phổ biến trên không gian mạng.
Mê tín, dị đoan được hiểu là việc con người có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không có căn cứ khoa học để chứng minh như: bói toán, phù phép, bùa chú, cúng bái,… nhằm khiến người nghe tin vào các hiện tượng siêu nhiên, huyền bí.
Thông thường khi con người bế tắc, mất niềm tin cuộc sống, xảy ra các biến cố, hoặc những người làm ăn kinh doanh họ muốn biết trong một khoảng thời gian nhất định họ có thể gặp kiếp nạn nào hay không? Họ sẽ tìm đến các yếu tố tâm linh.
Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng sẽ “tát nước theo mưa”, dùng những lời lẽ đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi và mong muốn được giải hạn. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn để giải hạn, trừ bùa ngải, cầu vật chất. Chưa kể, có những người lại làm bùa, ngải để hãm hại người khác.
Mê tín dị đoan, bói toán bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hoạt động, hành nghề dưới mọi hình thức. Cụ thể theo tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định cấm cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc với mức xử phạt cao nhất hành vi này lên đến 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm theo quy định tại điều 320 bộ luật hình sự mức xử phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.
Bên cạnh hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng phong tục lì xì, hay nhu cầu đặt vé tàu xe, máy bay, tìm kiếm việc làm tăng cao dịp đầu năm, nhiều đối tượng cũng đẩy mạnh lừa đảo các lĩnh vực này.
Các hình thức như trên mỗi nạn nhân mất số tiền không lớn, nhưng sau khi điều tra cơ quan công an sẽ khởi tố trên số tiền thực tế chiếm đoạt. Theo tính chất, mức độ, tổng số tiền lừa đảo thì mức hình phạt sẽ tương ứng về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nếu gặp trường hợp này các bạn nên xác minh kỹ thông tin người liên hệ như địa chỉ trụ sở, văn phòng, thông tin chính chủ như tìm kiếm trên website, fanpage, facebook hoặc nếu cần thiết bạn nên đến trụ sở chính của họ để tìm hiểu, hỗ trợ.
Nếu những người này có biểu hiện gian dối, mập mờ thì bạn không nên giao dịch với họ. Các nạn nhân cố gắng tỉnh táo, tránh gặp trường hợp tiền mất rồi lại mất thêm cho những kẻ lừa đảo khác.
Tâm lý chi thêm ít tiền để mong lấy lại
Theo Luật sư Nguyễn Thị Sương - Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư Tp. Đà Nặng) cho biết, thời gian gần đây nổi lên tình trạng lập các nhóm “lấy lại tiền lừa đảo” để tiếp tục lừa đảo. Các đối tượng lợi dụng mong muốn sớm lấy lại tiền của nạn nhân nên yêu cầu nộp thêm tiền để chúng can thiệp, tác động vào hệ thống để lấy lại tiền.
Chúng đánh vào tâm lý chấp nhận bỏ ra thêm một ít tiền để lấy lại số tiền lớn đã mất nên khiến nhiều người tiếp tục sập bẫy. Để lừa đảo, chúng sẽ giả danh người có uy tín như công an, luật sư, cơ quan nhà nước,…để tạo niềm tin cho “con mồi” để tiếp tục lừa đảo.
Khi các đối tượng đã chủ định lừa đảo là đã có chủ định ngay từ đầu. Nên sẽ không bao giờ tự nguyện hoàn trả lại tiền cho bị hại. Các thông tin các đối tượng đưa ra cho nạn nhân biết đều là giả mạo nên rất khó để liên hệ, tìm được các đối tượng này.
Vì thế, bị hại chỉ có cách duy nhất là trình báo ra cơ quan công an nơi cư trú, sau này sẽ được giải quyết theo quy trình tố tụng và bạn được coi là bị hại. Quá trình giải quyết, các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xác minh, điều tra. Trường hợp tìm được kẻ lừa đảo, bị hại có thể được hoàn trả tiền theo bản án có hiệu lực của tòa án và thi hành án.
Không để xảy ra hoạt động cúng vong, cúng oan gia trái chủ
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 11 ngày 30/1/2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Một trong những chỉ đạo quan trọng được chỉ đạo là không để xảy ra hoạt động cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo
Cụ thể, Công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá nhân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo.