Theo nguồn tin của Reuters, 400 tên lửa Iran gửi cho Nga bao gồm nhiều loại, trong đó có tên lửa Zolfaghar. Các chuyên gia cho biết Zolfaghar có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 300 - 700km.
Các chuyến hàng bắt đầu từ tháng 1-2024, sau cuộc họp diễn ra vào cuối năm ngoái giữa các quan chức quân sự - an ninh Iran và Nga, diễn ra ở cả Tehran và Matxcơva.
Một quan chức quân sự Iran đề nghị không nêu tên cho hay có ít nhất 4 chuyến hàng tên lửa đã giao và trong tuần tới sẽ có thêm.
Một quan chức khác của Iran thông tin rằng một số tên lửa được gửi tới Nga bằng tàu qua biển Caspian, số khác chuyển bằng máy bay.
"Sẽ có thêm các chuyến hàng", một quan chức Iran nói với Reuters. "Không có lý do gì để che giấu điều đó. Chúng tôi được xuất khẩu vũ khí sang bất kỳ quốc gia nào mà chúng tôi muốn".
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từng có hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu một số tên lửa, máy bay không người lái và công nghệ khác của Iran. Tuy nhiên, các hạn chế này đã hết hạn hồi tháng 10-2023.
Chỉ có Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn giữ nguyên các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, với lý do lo ngại Iran xuất khẩu vũ khí cho các lực lượng ủy nhiệm ở Nga và Trung Đông.
Tháng 11-2023, Iran thông báo họ đã hoàn tất thỏa thuận để Nga cung cấp máy bay chiến đấu Su-35, trực thăng tấn công Mi-28 và máy bay huấn luyện phi công Yak-130.
Nhà phân tích Gregory Brew tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định mối quan hệ Nga - Iran mang tính chất giao dịch. Cụ thể, để đổi lấy máy bay không người lái, Iran mong đợi Nga cung cấp vũ khí tiên tiến, đặc biệt là máy bay hiện đại.
Phe Cộng hòa chỉ trích chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phản ứng chậm trễ, trong khi phe Dân chủ cho rằng đây là phản ứng mạnh mẽ thích đáng.