Xe vượt ẩu mang đến nguy cơ đối đầu
Nhận lời mời của Tuổi Trẻ Online, hai giảng viên bộ môn đường ô tô - đường thành phố, khoa xây dựng cầu đường Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng đã cùng phóng viên di chuyển trên tuyến cao tốc dài 164km nối Đà Nẵng tới Quảng Trị.
Tuyến này được thiết kế có đoạn tuyến mỗi bên một làn đường và chưa có dải phân cách.
Từ nút vào Hòa Liên "xe ta bon trên dặm đường" dù xe đi trên tuyến đường đồi núi này. Sau vụ tai nạn thảm khốc trên tuyến cao tốc này, lượng xe lưu thông đã giảm đáng kể so với dịp Tết.
Phần đông xe đi lại là xe tải, xe khách đường dài và các xe ô tô cá nhân mang biển số miền Trung.
Dù mỗi bên có một làn đường nhưng di chuyển 80km/h trên tuyến đường này vẫn cho cảm giác an tâm do dải đất hai bên lề đường đã được đắp nền rất rộng. Xe đang ngon trớn gần tới hầm Mũi Trâu thì phải đột ngột thắng lại.
Một xe khách loại 52 chỗ đi theo hướng đối diện lấn làn lù lù bất ngờ xuất hiện trước mặt. Do địa hình núi dốc, hai xe suýt đối đầu trên đỉnh dốc do chạy với tốc độ cao nên không nhìn thấy nhau.
Đây là "điểm mù" được thiết kế cấm vượt, đã được cảnh báo bằng vạch liền tim đường và biển cảnh báo nhưng xe khách đường dài vẫn cố ý lấn làn vượt với tốc độ cao.
Khi đổ dốc Vườn quốc gia Bạch Mã, có nhiều đoạn đường cong uốn lượn theo địa hình. Biển chỉ dẫn, cảnh báo ở những khúc cua "khuỷu tay" ngày một nhiều. Tuy nhiên nhiều lái xe vẫn chọn nhấn ga, bứt tốc bất chấp.
"Vấn đề là khi biết những hạn chế các yếu tố hình học của đường, nhà quản lý đã cảnh báo nhưng nhận thức của tài xế thì không phải như thế. Tai nạn đến từ việc phóng nhanh vượt ẩu, thiếu kiên nhẫn với dòng xe phía trước" - thạc sĩ Lê Đức Châu (giảng viên bộ môn đường ô tô - đường thành phố) nhìn nhận phải nâng cao ý thức giao thông trên đường.
Vượt xe phải rõ tầm nhìn gấp 6 lần tốc độ
Xe tiếp tục chuyển trạng thái khi vào cao tốc La Sơn - Cam Lộ khi tốc độ quy định từ 60 - 80km/h.
Trên tuyến đường này vạch kẻ liền cấm vượt được kẻ rất dài kèm theo các bảng thông báo khoảng cách đến điểm vượt là những đoạn đường được thiết kế hai làn đường.
Với những đoạn đường được thiết kế để vượt, việc chỉ dẫn, thông báo khi kết thúc điểm vượt khá cụ thể. Với những đoạn nhập làn ở các nút ra vào (cũng là nơi xảy ra vụ tai nạn ngày 18-2 vừa qua) nếu di chuyển với tốc độ tối đa trên cao tốc, đoạn từ 3 làn nhập 1 sẽ đến trong tích tắc.
PGS.TS Phạm Ngọc Phương (trưởng bộ môn đường ô tô - đường thành phố) cho rằng ở những điểm này lái xe cần tuân thủ "tầm nhìn vượt xe" trước khi vượt để đảm bảo an toàn trở về làn đường cũ sau khi vượt xe.
"Tầm nhìn vượt xe xem xét vận dụng theo giá trị tối thiểu thông thường khoảng 6 lần tốc độ thiết kế, tốc độ thiết kế 80km/h mà muốn vượt cần đảm bảo tầm nhìn rõ phía trước hơn 480m hoặc thậm chí cao hơn" - ông Phương phân tích.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Phương, xét tiêu chuẩn hiện hành TCVN 5729:2012 thì tuyến cao tốc Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ có thể tạm gọi là "cao tốc chưa hoàn chỉnh", những đoạn có hai làn xe thì chỉ ở mức đường trục chính.
Một khi đã là "cao tốc chưa hoàn chỉnh" thì cần xem xét tổ chức lại giao thông đoạn hai làn xe theo kiểu giải pháp tổ chức giao thông cho đường trục chính cho đúng nghĩa với tên của nó (2-lane highways).
Đồng thời xem xét đánh giá một cách khoa học và có thể điều chỉnh lại đoạn chuyển tiếp từ bốn làn thành hai làn xe và nhánh đấu nối.
Đường tác động mạnh đến tâm lý lái xe
Theo ông Phương, tuyến đường là 1 trong 4 yếu tố của hệ thống khai thác vận tải ô tô (đường - ô tô - người lái - môi trường) có tác động mạnh đến tâm lý của người lái xe.
"Hiện nay có đoạn tuyến tổ chức vệt phân làn hai chiều bằng nét liền liên tục rất dài có thể gây ức chế cho lái xe trong khi điều kiện đó có thể vượt và đảm bảo an toàn" - ông Phương nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp thu phản ánh từ báo chí, người dân, ngay lập tức rà soát, báo cáo bộ phương án tổ chức giao thông theo hướng tối ưu trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn.