Sáng 22-2, báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã nhắc đến vấn đề tai nạn giao thông giảm các chỉ tiêu nhưng tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc lại xảy ra.
Do đó, cần nghiên cứu tìm ra được nguyên nhân của việc tai nạn giao thông ở trên cao tốc.
Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng, xác định thế nào là cao tốc
Sau vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo giải quyết, khắc phục các vấn đề dư luận nêu.
Ông Thanh dẫn lại vụ tai nạn trên cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn vừa qua và cho hay thông tin trên mạng phản ánh quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành đối với cao tốc ở chỗ này đang có vấn đề.
Do đó, đề nghị cần có kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội phải có biện pháp để xử lý ngay vấn đề này.
"Cao tốc mà có hai làn, lại chỉ có phân cách mềm, không có phân cách cứng, rồi những đoạn không có làn khẩn cấp", ông Thanh nêu.
Nêu ý kiến kết luận sau đó, từ vụ tai nạn giao thông trên cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay trước đây Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo phải nghiên cứu, rút kinh nghiệm về nguyên nhân và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về cao tốc thế nào.
Ông nói không chỉ có cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, bởi đây chỉ là đoạn với điển hình vụ tai nạn nhưng tai nạn trên cao tốc với một số vị trí khác do các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cơ sở hạ tầng thì Chính phủ cần chỉ đạo rút kinh nghiệm nghiêm túc.
"Chính phủ cần có chỉ đạo về việc xây dựng, xác định thế nào là cao tốc. Nhiều người dân bảo Cam Lộ - La Sơn là cao tốc gì, họ nói thẳng đây không phải cao tốc, đường này còn kém hơn đường tránh.
Do vậy, về quy chuẩn, tiêu chuẩn, tên gọi xác định cho rõ và có giải pháp khắc phục", ông Phương đề nghị.
Tập trung xử lý nghiêm nồng độ cồn, tốc độ
Trước đó, trung tướng Lê Quốc Hùng - thứ trưởng Bộ Công an - cho hay thời gian qua, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2024, thực hiện mệnh lệnh của bộ trưởng, các lực lượng có chức năng đảm bảo an toàn giao thông đã vào cuộc hết sức quyết liệt.
Các lực lượng đã làm việc xuyên Tết, không có ngày Tết và xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ với các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Nhất là trong vận chuyển hành khách về quê ăn Tết, không để xảy ra các vụ việc, vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây rúng động dư luận như các năm trước.
"Tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vi phạm, tai nạn giao thông như nồng độ cồn, tốc độ, tải trọng, không để xảy ra tình trạng nhồi nhét khách trên các xe khách... ", trung tướng Hùng nêu rõ.
Ông cũng chỉ rõ tình hình trật tự, an toàn giao thông trong 7 ngày Tết cơ bản được đảm bảo. Số vụ tai nạn giao thông có tăng nhưng số người chết, bị thương giảm, riêng số người chết trong 7 ngày Tết 2024 giảm 69 người so với năm 2023.
Cũng theo số liệu của Bộ Y tế, các ca cấp cứu do tai nạn giao thông giảm 12,1% so với năm trước, số ca tai nạn giao thông phải nằm viện giảm 8,4%, số ca tử vong do tai nạn giao thông tại viện giảm 22,4% so với năm 2023.
Các lực lượng đã tập trung xử lý rất nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, trong 7 ngày Tết đã xử lý trên 71.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 182 tỉ đồng, tạm giữ rất nhiều phương tiện vi phạm.
"Trong đó, các vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ đều bị phát hiện tăng so với năm ngoái. Do đó, lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán 2024 rất đảm bảo, được người dân, dư luận đánh giá rất cao", ông Hùng nói thêm.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ việc thấy nhân dân đồng tình với xử lý đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết, nhất là đấu tranh với các loại tội phạm như báo cáo của thứ trưởng Bộ Công an.
"Nổi nhất năm nay là tình trạng có uống rượu lái xe giảm hẳn. Từ việc này giúp giảm tai nạn giao thông cả ba mặt là số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương. Từ đó thấy rằng rõ ràng chủ trương này có hiệu quả", ông Mẫn nêu.
Bộ Công an nêu rõ trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay, thực sự rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe.