Ngày 22.2, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.
Kế hoạch này nhằm tổng hợp, đánh giá việc quản lý tiền công đức, tài trợ, cũng như giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng để tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.
Đối tượng kiểm tra gồm các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của luật Di sản văn hóa.
Nội dung kiểm tra gồm việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đồng thời, xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu chi, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.
UBND TP.HCM giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở VH-TT, Sở Du lịch và Sở Nội vụ tham mưu việc chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện kế hoạch kiểm tra. Kết quả kiểm tra phải được tổng hợp về trước ngày 31.3 để UBND TP.HCM báo cáo Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức tổ chức kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn mình quản lý.
Về công tác truyền thông, UBND TP.HCM nêu rõ nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội.
Nguồn thu tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải được quản lý, sử dụng theo đúng mục đích, có ghi chép, phản ánh đầy đủ các khoản thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch.