Anh tôi 55 tuổi, là người khác biệt, chưa từng phụ giúp, nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ ngày nào; thậm chí vẫn thường xuyên xin tiền mẹ. Thỉnh thoảng lại có nhóm giang hồ đến tìm cha mẹ tôi đe dọa, buộc trả nợ cho anh ấy.
Hiện, căn nhà được cha mẹ tôi đứng tên sổ hồng, vừa là nơi ở vừa là nơi ông bà cho thuê một số phòng để lấy tiền sinh sống. Mỗi tháng, mấy chị em (trừ anh cả) đều biếu cha mẹ một số tiền nhất định, mua sắm mọi thứ ông bà cần và lo toàn bộ chi phí chăm sóc sức khỏe.
Cha mẹ tôi nói rằng, mục đích để lại căn nhà cho anh tôi vì "sau này nó sẽ để lại cho con nó giữ làm của". Tôi khẳng định bản thân không ham tài sản của cha mẹ, và tôi đã tuyên bố từ chối bất kỳ tiền bạc, vật chất mà ông bà cho tôi. Điều tôi băn khoăn là, nếu cha mẹ để lại nhà cho anh cả thì 99% anh ấy sẽ bán đi để tiêu xài, ăn chơi hết. Lúc đó bố mẹ tôi và con của anh ấy sẽ không còn nơi để ở, không còn thu nhập cho thuê phòng.
Xin hỏi, theo quy định của pháp luật, trường hợp anh trai tôi có bị tước quyền thừa hưởng căn nhà của cha mẹ không? Làm thế nào để anh ấy không thể bán nhà cha mẹ tôi cho?
Độc giả Ngọc Linh
Luật sư tư vấn
Thông tin bạn cung cấp chưa rõ cha mẹ bạn cho nhà khi ông bà còn sống, hay để lại tài sản cho con cái thừa kế sau khi họ chết.
Trường hợp cha mẹ bạn khi còn sống muốn cho con tài sản, thì việc tặng cho này được quy định tại Điều 459 của Bộ Luật dân sự năm 2015 (BLDS).
Trên thực tiễn, có trường hợp vì lo lắng "sau khi hoàn tất thủ tục cho tặng thì người con sẽ bán nhà" nên cha mẹ đã kèm điều kiện "không được bán nhà". Có quan điểm cho rằng, việc kèm theo điều kiện này là trái với quy định tại Điều 457 BLDS là Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Bởi lẽ, khi chuyển giao quyền sở hữu thì bên nhận tài sản (anh của bạn) được quyền định đoạt căn nhà cha mẹ cho - tức là được bán. Như vậy, việc kèm theo điều kiện "không được bán nhà" là không phù hợp.
Nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng, điều kiện "không được bán nhà" hoàn toàn phù hợp với các quy định tại Điều 462 BLDS về tặng, cho tài sản có điều kiện, vì không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội như đã được quy định tại khoản 1 Điều 462 BLDS.
Điều kiện "không được bán nhà" thường không được ghi nhận trên sổ hồng vì đây là giấy chứng nhận quyền sở hữu, trong đó có quyền bán nhà. Do đó, sau khi được cấp sổ hồng thì việc bán hay không bán tài sản sẽ phụ thuộc vào sự tự giác của người nhận tài sản. Còn nếu có tranh chấp về việc bán tài sản có kèm điều kiện "không được bán nhà" sau khi cho tặng, thì thực tiễn xét xử cho thấy còn cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác để tòa án có thể đưa ra quyết định.
Do đó, nếu muốn đảm bảo căn nhà của bố mẹ không bị anh trai bán thì bố mẹ bạn không nên cho tặng, mà có thể chỉ cần làm giấy uỷ quyền để anh trai bạn quản lý căn nhà, bao gồm cả việc cho thuê các phòng trọ cũng như quản lý khoản tiền thu được từ việc cho thuê này. Như vậy, cha mẹ bạn sẽ yên tâm là vẫn có nhà để ở và anh trai bạn vẫn có quyền quản lý toàn bộ ngôi nhà.
Con ruột không được hưởng di sản thừa kế trong trường hợp nào?
Nếu cha mẹ bạn có nguyện vọng để lại căn nhà cho anh trai bạn hưởng thừa kế (sau khi ông bà mất) thì có thể thực hiện theo thủ tục lập di chúc được định tại Chương XXII của BLDS về thừa kế theo di chúc.
Nếu có căn cứ chứng minh anh trai bạn thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS, thì người này sẽ không được phép hưởng di sản thừa kế do cha mẹ để lại:
- Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
- Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
- Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
- Có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, khoản 2 Điều 621 BLDS quy định những người trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc. Ví dụ, cha mẹ bạn biết rõ anh trai bạn không chăm sóc, nuôi dưỡng mình nhưng vẫn muốn để lại di sản thì người này vẫn có thể được nhận di sản thừa kế là căn nhà mà cha mẹ bạn để lại.
Trong trường hợp gia đình có băn khoăn về việc sau khi cha mẹ bạn mất, người anh sẽ bán căn nhà, thì ông bà có thể lập di chúc theo hướng dùng căn nhà làm mục đích thờ cúng và giao cho anh trai bạn là người quản lý theo quy định tại Điều 645 BLDS.
Khi đó, anh trai bạn, với tư cách là người quản lý di sản thờ cúng, chỉ được quản lý căn nhà để thực hiện việc thờ cúng và sẽ không được quyền bán căn nhà do cha mẹ để lại.
Luật sư Ngô Quí Linh
Giám đốc Công ty luật Mai Đăng Khang
Xem thêm: lmth.2173174-oas-mal-iahp-nab-ib-os-gnuhn-ahn-iart-noc-ohc-hnid-em-ahc/ten.sserpxenv