Hiện nay, với tỉ lệ vô sinh ở phụ nữ ngày càng tăng, điều trị vô sinh đã có bước phát triển nhanh chóng nhờ những tiến bộ đáng kể về công nghệ, sự phát triển của các loại thuốc và phác đồ mới, cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn.
Các phương pháp này thường an toàn và có tỉ lệ biến chứng nghiêm trọng thấp. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra một số kết quả bất lợi về thai kỳ và sức khỏe phụ nữ, liên quan đến điều trị vô sinh, đặc biệt là bệnh tim mạch và đột quỵ não.
Một nghiên cứu quy mô lớn được công bố trên trang JAMA Network hồi tháng 8-2023, với 31 triệu phụ nữ mang thai và sinh con tại bệnh viện ở 28 bang của Mỹ, từ năm 2010 đến năm 2018, độ tuổi từ 15 - 54 tuổi.
Các phương pháp điều trị vô sinh được nghiên cứu bao gồm thụ tinh trong tử cung, công nghệ hỗ trợ sinh sản, bảo tồn khả năng sinh sản (đông lạnh trứng) hoặc mang thai hộ.
Kết quả cho thấy có khoảng 287.000 phụ nữ điều trị vô sinh và trong số đó có 105 trường hợp nhập viện do đột quỵ. Tương ứng với tỉ lệ lần lượt là 37 và 29 trên 100.000 người ở nhóm điều trị vô sinh và nhóm thụ thai tự nhiên.
Nguy cơ cao nhất ở năm đầu sau sinh
Kết luận cho thấy những phụ nữ trải qua điều trị vô sinh trước khi mang thai có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 66% trong năm đầu sau sinh và sớm nhất là 30 ngày đầu sau sinh.
Hầu hết các cơn đột quỵ này là xuất huyết não, nguy cơ tăng gấp đôi, trong khi đột quỵ do thiếu máu (nhồi máu não) tăng khoảng 50%. Nhiều nguyên nhân được các nhà nghiên cứu chỉ ra, có thể kể đến gồm:
Công nghệ hỗ trợ sinh sản thường được áp dụng ở những phụ nữ lớn tuổi. Đây là nhóm phụ nữ vốn đã có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn như béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp…
Nguy cơ này tăng lên đáng kể khi sử dụng nhiều hormone và thuốc trong chu kỳ điều trị. Ví dụ như việc bổ sung estrogen có thể làm tăng khả năng đông máu, vốn là yếu tố lớn gây đột quỵ .
Điều trị vô sinh có thể góp phần vào các vấn đề của mạch máu và nhau thai như bong nhau thai, tiền sản giật, thai chậm phát triển hay các rối loạn liên quan đến thận, tiểu đường thai kỳ hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe đã có từ trước đó. Tất cả những điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Điều trị vô sinh cũng có thể liên quan đến con đường gây tổn thương tiền huyết khối hoặc nội mô, cùng với những thay đổi trong chức năng tuần hoàn của phụ nữ do dùng thuốc, đặc biệt ở những phụ nữ trước đó đã bị béo phì, hút thuốc hoặc lạm dụng rượu.
Từ kết quả trên cho thấy không chỉ phụ nữ lớn tuổi, mà tất cả phụ nữ cần được sàng lọc bệnh tim mạch trước khi điều trị vô sinh. Trường cao đẳng Sản phụ khoa Mỹ khuyến nghị phụ nữ đã điều trị vô sinh, sau đẻ nên tái khám 2 lần.
Lần đầu tiên vào lúc 3 tuần sau sinh, sau đó là 12 tuần sau sinh. Việc tái khám và theo dõi sớm hơn được chỉ định ở những trường hợp có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch trước khi mang thai.
Đồng thời, những phụ nữ này cần chú ý đến các dấu hiệu thường gặp của đột quỵ như đột ngột xuất hiện tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân; nhầm lẫn; khó nói hoặc khó hiểu lời nói; khó nhìn; khó đi lại hay đau đầu, chóng mặt dữ dội….
Bởi lẽ, một số triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với các biểu hiện thường gặp khi mang thai hoặc sinh con.
'Thầy' H.T.Đ. cho rằng chữa vô sinh bằng phương pháp bấm huyệt, truyền năng lượng từ xa là môn 'lưu hành nội bộ'.