vĐồng tin tức tài chính 365

Kinh tế Nga ra sao sau 2 năm chiến sự Ukraine?

2024-02-23 08:59

Cuối tháng 2/2022, Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Phương Tây ngay sau đó đáp trả bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên hệ thống tài chính Nga.

Đáng chú ý nhất là việc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada loại hàng loạt ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Nửa khối dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài, tương đương khoảng 300 tỷ USD, bị phong tỏa.

Dầu thô - nguồn thu chủ chốt của ngân sách Nga - cũng chịu ảnh hưởng. Tháng 12/2022, G7 cấm các hãng vận tải biển và hãng bảo hiểm tại các nước thành viên cung cấp dịch vụ cho dầu Nga xuất khẩu nếu giá bán vượt 60 USD một thùng. Lệnh cấm tương tự được áp lên các sản phẩm dầu Nga từ tháng 2/2023.

Hôm 21/2, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục thông qua gói trừng phạt thứ 13 với Nga. Theo gói trừng phạt mới, gần 200 thực thể và cá nhân bị cáo buộc hỗ trợ Nga mua sắm vũ khí hoặc liên quan tới hoạt động di chuyển trẻ em Ukraine sẽ bị cấm kinh doanh hoặc nhập cảnh vào các nước thành viên EU. Các cá nhân và công ty này cũng đối mặt nguy cơ bị đóng băng tài sản.

Phương Tây kỳ vọng các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra "những hậu quả khủng khiếp và nghiêm trọng" lên kinh tế Nga. Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ khi chiến sự nổ ra, điều duy nhất các nhà kinh tế học đều đồng ý, là Moskva đã không sụp đổ như họ từng dự báo.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý của Nga giai đoạn 2018 - 2023. Đồ thị: Statista

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý của Nga giai đoạn 2018 - 2023. Đồ thị: Statista

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Nga tăng 2,6% trong năm nay. Tốc độ này được nâng lên đáng kể so với dự báo hồi tháng 10/2023. Năm ngoái, Nga tăng trưởng 3,6%, theo Tass.

Nguồn thu từ dầu mỏ của Nga cũng tăng vọt. Theo đạo luật ngân sách được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua hồi tháng 11/2023, nguồn thu của Moskva trong năm 2024 dự kiến đạt hơn 35.000 tỷ ruble (gần 394 tỷ USD). Số liệu dự báo cho năm 2025 là gần 377 tỷ USD và năm 2026 là hơn 382 tỷ USD.

Đây là mức tăng đáng kể, sau khi nước này ghi nhận thu ngân sách kỷ lục 320 tỷ USD trong năm 2023, dù phải chi tiêu đáng kể cho quốc phòng để phục vụ chiến sự ở Ukraine, đồng thời chống chọi với loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây. Phần lớn nguồn thu của Nga trong năm qua là lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện cũng ở mức thấp kỷ lục. Số liệu này là 3,2% năm 2023, Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho biết.

Elina Ribakova - nhà kinh tế học tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson lý giải trên DW rằng có ba lý do chính giúp kinh tế Nga vẫn trụ vững. Đầu tiên là hệ thống tài chính nước này đã được chuẩn bị đủ để đối phó các lệnh trừng phạt. Điện Kremlin đã quen với việc bị trừng phạt trong gần một thập kỷ qua, sau khi họ sáp nhập Crimea năm 2014.

Lý do thứ hai là Nga vẫn có nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu dầu khí. Giá nhiên liệu tăng vọt sau khi chiến sự nổ ra. Trong khi đó, các nước phương Tây lại chậm chạp đưa ra chính sách trừng phạt. Điều này đồng nghĩa các nhà buôn, hãng vận tải và hãng dầu Nga có nhiều tháng để chuẩn bị.

Cuối cùng là các lệnh hạn chế xuất khẩu sang Nga của phương Tây không đủ hiệu quả. Nga vẫn mua được các sản phẩm cần thiết, thông qua nước thứ ba.

Khách hàng mua đồ tại một khu chợ ở St. Petersburg (Nga) tháng 11/2023. Ảnh: Reuters

Khách hàng mua đồ tại một khu chợ ở St. Petersburg (Nga) tháng 11/2023. Ảnh: Reuters

DW cũng đánh giá kinh tế Nga sôi động chủ yếu do nước này biết cách đối phó với các lệnh trừng phạt. Gần một năm qua, Nga vẫn bán được dầu với giá sát thị trường, thay vì dưới 60 USD một thùng. Nhờ các nhà buôn tích cực gom tàu cũ và hàng loạt công ty mới gia nhập thị trường, Nga đã đưa được dầu đến các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan mà không cần tuân thủ trần giá.

Bên cạnh đó, khi các chuỗi cửa hàng phương Tây đóng cửa, Nga hợp pháp hóa việc nhập khẩu song song (parallel import) của các hãng bán lẻ trong nước. Các website thương mại điện tử có đủ loại hàng hóa mà họ quảng cáo là mang từ nước ngoài về. Coca Cola, Zara hay IKEA đều đã rời Nga từ năm 2022, nhưng sản phẩm của họ vẫn được bày bán tại nước này.

Nguồn tài nguyên khổng lồ cũng đang là bộ đệm vững chắc cho kinh tế Nga. Chris Weafer - cố vấn đầu tư đã làm việc tại Nga hơn 25 năm qua cho biết vấn đề này đã bị đánh giá thấp khi các lệnh trừng phạt được đưa ra.

Dầu mỏ, khí đốt và các hàng hóa như uranium vẫn có tầm quan trọng lớn trên toàn cầu. Mỹ hiện vẫn phải mua uranium từ Nga với số lượng lớn.

"Liên minh châu Âu nói kinh tế Nga không sụp đổ trong năm 2022 và 2023, nhưng sẽ lao dốc năm 2024 vì chi tiêu quân sự. Nhưng đó chỉ là cách nói mang mục đích chính trị thôi. Đó là điều họ mong muốn xảy ra", ông nói.

Trên thực tế, chi tiêu cho quân sự đang thúc đẩy kinh tế Nga. Kể từ năm 2021, quy mô khoản chi này đã tăng gấp 3. Ribakova cho biết Nga đã chi số tiền lớn cho việc sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, "điều này không tốt cho nền kinh tế và không phải là các hoạt động mang lại hiệu suất cao trong trung hạn", bà nhận định.

Weafer cũng cho rằng việc đổ tiền vào hàng hóa "tiêu thụ", thay vì đầu tư cho các ngành công nghiệp, có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực trong dài hạn. "Dự trữ sẽ dần cạn kiệt. Khi xung đột chấm dứt, nền kinh tế sẽ chịu nhiều tổn thương hơn. Nga sẽ phải đau đầu nghĩ xem nên làm gì tiếp theo", ông cho biết trên DW.

Một vấn đề khác là thị trường lao động Nga đang thay đổi. Nga hiện thiếu nhân lực ở nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, nhưng lương cũng tăng đáng kể trong suốt năm 2023.

"Lương nhân công tăng đang kéo lạm phát lên cao. Họ càng mất thời gian xử lý, vấn đề lực lượng lao động sụt giảm sau này sẽ càng khó giải quyết, tốn kém và gây ra nhiều hậu quả hơn", ông nói.

Nga còn đang đối mặt với lạm phát cao, với 7,4% năm 2023. Ngân hàng Trung ương Nga năm ngoái đã phải nâng lãi suất tham chiếu mạnh tay, lên 16%, để đối phó với giá cả tăng vọt.

Benjamin Hilgenstock tại Trường Kinh tế Kyiv nhận định động thái nâng lãi suất cho thấy nền kinh tế này đang gặp thách thức. Dù kinh tế Nga hiện tốt hơn dự báo, họ vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ các lệnh trừng phạt. "Môi trường vĩ mô tại Nga đã xuống cấp đáng kể", Hilgenstock nói.

Các nước phương Tây gần đây cũng đang tìm cách mới để giảm sức mạnh tài chính của Nga. Mỹ tăng cường trừng phạt các tàu và thực thể vi phạm lệnh trừng phạt để tham gia vận chuyển dầu Nga. cho rằng hạn chế nguồn thu xuất khẩu dầu Nga là điều quan trọng. "Dù vậy, việc ngăn các tàu này vận chuyển dầu Nga sẽ mất rất nhiều thời gian", ông nói.

Tháng 12/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ký sắc lệnh trừng phạt các ngân hàng nước ngoài cho phép thực hiện giao dịch nhằm giúp Nga có thêm tài chính cho chiến dịch quân sự. "Các tổ chức tài chính đóng vai trò lớn trong việc kiểm soát xuất khẩu. Vì họ có thể nhìn ra mục đích thật của các giao dịch này", Hilgenstock nói.

Dù vậy, Ribakova cho rằng sức mạnh tài chính của Nga khó suy giảm nhanh, nếu giá dầu vẫn trên 60 USD một thùng. "Họ đã làm nhiều việc để củng cố tài chính, tránh phụ thuộc vào sức ép từ phương Tây. Giá dầu 80 USD là bệ đỡ tốt cho Nga. Nếu giá về 60-70 USD, họ có thể bắt đầu cảm nhận được tác động. Nhưng chúng ta sẽ không thể nói về khủng hoảng nếu Nga vẫn bán được dầu từ 60 USD trở lên", bà nói.

Hà Thu (theo DW, Tass)

Xem thêm: lmth.5104174-eniarku-us-neihc-man-2-uas-oas-ar-agn-et-hnik/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Kinh tế Nga ra sao sau 2 năm chiến sự Ukraine?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools