Sự kiện trên diễn ra giữa lúc thế giới chứng kiến nhiều thay đổi với các cuộc xung đột leo thang, tình hình kinh tế khó khăn và nhu cầu cần có vị thế lớn hơn của các nền kinh tế đang phát triển (thường được gọi là "Global South" - Nam bán cầu).
Chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bất lực
Xét trong bối cảnh trên, cải cách quản trị toàn cầu được xem là chủ đề thiết thực. Tuy nhiên, nước chủ nhà Brazil đã đưa ra một minh chứng khá tiêu cực cho sự thiết thực đó.
Họ thẳng thừng chỉ trích việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bất lực trong việc ngăn các xung đột toàn cầu như ở Ukraine và Dải Gaza. "Các tổ chức đa phương không được trang bị phù hợp để ứng phó các thách thức hiện nay, như đã được chứng minh bằng sự bất lực không thể chấp nhận của Hội đồng Bảo an về các cuộc xung đột đang diễn ra", Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira "nổ" phát súng đầu tiên.
Brazil thể hiện mong muốn nhóm các nền kinh tế ít phát triển hơn thuộc "Global South" có thêm tiếng nói tại những tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Nhưng tình hình địa chính trị phức tạp đang góp phần lớn ngăn cản mục tiêu này, đặc biệt những khác biệt trong quan điểm về Ukraine và Dải Gaza. Cuộc họp hai ngày ở Rio de Janeiro vì lẽ đó tiếp tục thành diễn đàn đấu tố và tranh cãi.
Trước sự hiện diện của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngoại trưởng các nước phương Tây tại G20 đã chỉ trích Nga vì cuộc chiến ở Ukraine. Văn phòng Ngoại trưởng Anh David Cameron cho hay ông đã nhấn mạnh rằng "Nga phải trả giá" cho cuộc chiến tại Ukraine. Ý kiến tương tự được ngoại trưởng các nước như Mỹ, Úc, Canada, Đức, Ý, Pháp, và Na Uy lặp lại.
Trong khi đó, cuộc xung đột ở Dải Gaza cũng là chủ đề tranh luận gay gắt và ngày càng bế tắc. Hôm 21-2 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã có một "cuộc trao đổi thẳng thắn", khi ông Blinken khẳng định Mỹ không đồng ý với phát biểu gần đây của nhà lãnh đạo Brazil về cuộc chiến của Israel tại Gaza.
Trước đó, ông Lula bị Israel tuyên bố tẩy chay ngoại giao vì chê trách Israel và ví tình hình Gaza như cuộc diệt chủng Thế chiến II.
Khó có đột phá
Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng chịu sự chỉ trích của nhiều nước vì tiếp tục bỏ phiếu chống đối với nỗ lực ngừng bắn ở Gaza. Việc Washington liên tục phủ quyết đề xuất ngừng bắn có thể khiến những cuộc họp liên quan giải quyết xung đột khó có bước đột phá, trong khi cuộc gặp ở Rio lần này được xem như bước dọn đường cho nội dung sự kiện thượng đỉnh G20 vào cuối năm nay.
Hôm 22-2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đứng về phe "ngừng bắn" khi kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng vai trò chủ động hơn trong nỗ lực khiến tiếng súng ngưng hẳn ở Gaza, cũng như tiến tới giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine.
Xét tới vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Đông cũng như với châu Âu và phương Tây, khác biệt này có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực khác trong việc giải quyết xung đột, cải cách quản trị toàn cầu.
Một số ý kiến bi quan về khả năng của G20 - nhóm được thành lập từ năm 1999 vốn quy tụ hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. G20 được kỳ vọng nhiều nhưng tiếp tục gặp khó khăn trong chuyện tìm được tiếng nói chung, đặc biệt trong năm nay.
Theo AFP, khả năng G20 giải quyết hiệu quả các xung đột không cao khi khoảng 50 quốc gia trên thế giới tổ chức bầu cử năm nay, trong đó có những nước thuộc G20 như Mỹ và Nga. Hiện nay, cuộc bầu cử Mỹ được đánh giá sẽ có tác động to lớn tới tình hình Ukraine cũng như Israel.
Lấy ví dụ Đảng Cộng hòa với ứng viên số 1 Donald Trump đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với chuyện viện trợ cho Ukraine và điều này dĩ nhiên ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán tìm giải pháp cho cuộc chiến tại đây.
Israel muốn chia đôi Dải Gaza
Hôm 21-2, người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) Avichay Adraee kêu gọi thường dân tại khu vực Zitun và Turkmen lân cận thành phố Gaza di chuyển về những vùng nhân đạo tại phía nam Dải Gaza. Việc sơ tán này có thể chia Dải Gaza làm hai phần, tạo một "vách ngăn" bên phía Palestine tại biên giới Gaza với Israel được gọi là "ngã tư Gaza".
Tờ Jerusalem Post dẫn lời một số chuyên gia cho rằng Israel có thể sẽ quyết định mở thêm các đường biên giới tại Gaza và xem đây là kịch bản hình thành chính sách hậu chiến tại khu vực phía nam Dải Gaza. Hiện chưa có nhiều bình luận chính thức về ý định của Israel. Tuy nhiên, việc nước này tiến tới kiểm soát thêm ở Dải Gaza gần như chắc chắn sẽ chịu sự phản đối của nhiều bên.
Israel cáo buộc tổng thống Brazil xem nhẹ Holocaust và xúc phạm người Do Thái, sau khi ông ví cuộc chiến Gaza của Israel với cuộc diệt chủng của Đức quốc xã.