Dự Hội nghị có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Ngân hang Nhà nước Việt Nam (NHNN); NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; các ngân hàng thương mại.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự quyết tâm, nỗ lực lớn của toàn ngành Ngân hang trong bối cảnh vô cùng khó khăn, thách thức, kết thúc năm 2023 toàn ngành Ngân hàng cơ bản đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cụ thể, ngành Ngân hàng đã đạt được kết quả toàn diện trên các mặt, điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ngành Ngân hàng cũng tiên phong chuyển đổi số, đa dạng các dịch vụ, sản phẩm phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện, tham mưu trình quốc hội thông qua Luật các TCTD sửa đổi; về hoạt động ngoại giao cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Theo Thống đốc NHNN, năm 2024 trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục dự báo mức tăng trưởng thấp hơn 2023, thị trường tài chính tiền tệ thế giới tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. Việt Nam với một nền kinh tế có độ mở lớn sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng. Chính vì vậy ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Theo đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các TCTD trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng. Cụ thể, NHNN đã khẩn trương xây dựng Chỉ thị 01, 02/CT-NHNN, Chương trình hành động số 83/QĐ-NHNN để triển khai Nghị quyết, Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về trọng tâm hoạt động ngân hàng năm 2024 đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động cụ thể cho toàn hệ thống, nhất là về công tác tín dụng nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.
Đặc biệt, NHNN đã tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng như: Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật các TCTD (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường tháng 01/2024; rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; đánh giá để xem xét sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách; rà soát để sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, kiện toàn và nâng cao hoạt động của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô... nhằm kích cầu tín dụng, tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức cho các nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Quang cảnh Hội nghị
Bên cạnh đó, NHNN đã thực hiện điều hành tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế và ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD, thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng nhằm cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Ngày 07/2/2024, NHNN tiếp tục ban hành công văn số 1088/NHNN-CSTT chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp đã được đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong đó, quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng,…
Song song với đó, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. NHNN cũng đã có công văn số 117/NHNN-CSTT ngày 7/2/2024 yêu cầu TCTD tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ của NHNN về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, các ngành, hàng thiết yếu của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. NHNN cũng tích cực triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ và tạo điều kiện cho NHCSXH triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu, với tâm thế chủ động ứng phó trong mọi tình huống toàn hệ thống ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm trong hoạt động để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, công tác tín dụng sẽ tiếp tục là hoạt động trọng tâm trong năm 2024. NHNN đã chủ động thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD, dựa trên xếp loại theo Thông tư 52. Vì vậy, các TCTD đã có thể chủ động kế hoạch kinh doanh, điều hành. “Năm nay các TCTD phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các TCTD phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản…”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
CKH
Xem thêm: 220985VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www