Dịch vụ bất thường
Theo CCTV, trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, nhiều người dân Trung Quốc đã phản ánh tình trạng hóa đơn sửa chữa điện nước cao bất thường đối với các dịch vụ đơn giản. Làm thế nào để tránh khỏi việc “mắc bẫy” là điều được nhiều người băn khoăn.
Cụ thể, trước đợt nghỉ Tết, một người đàn ông họ Viên tại thành phố Vũ Hán phát hiện phòng tắm bị rò rỉ nước. Sau đó, anh ngay lập tức liên hệ với một đơn vị sửa chữa thông qua nền tảng thương mại điện tử. Đầu dây bên kia cho biết có thể sửa chữa nhanh chóng bằng cách tiêm keo nên anh Viên đã đặt dịch vụ theo giá 10 tệ (khoảng 34 nghìn đồng) được niêm yết trên ứng dụng.
Khoảng 4 giờ chiều ngày hôm đó, hai nhân viên bảo trì đến nhà anh Viên, sau khi kiểm tra sơ bộ thì bắt đầu khoan lỗ và bơm keo. Khi hoàn thành, anh Viên kinh ngạc khi các nhân viên yêu cầu thanh toán 7.300 nhân dân tệ (khoảng 24 triệu đồng). Anh tưởng rằng đây chỉ là một việc sửa chữa đơn giản.
"Nhân viên bảo trì không nói họ sử dụng loại keo nào, tốn bao nhiêu tiền. Họ chỉ nói rằng nó có giá hơn 200 nhân dân tệ/500 gram (khoảng 700 nghìn đồng)”, anh Viên nói. Vì không biết giá thị trường cụ thể nên anh Viên buộc phải thanh toán khoản tiền này, gấp tới 700 lần báo giá khi đặt dịch vụ.
Tuy nhiên sau đó, vết rò rỉ nước lại tiếp tục bị vỡ ra, anh Viên phải thuê một công ty dịch vụ chống thấm và rò rỉ chuyên nghiệp để sửa chữa, tốn thêm chi phí hơn 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7,2 triệu đồng).
Đây không phải là trường hợp đầu tiên gặp vấn đề như vậy.
CCTV cho biết vào tháng trước, người đàn ông họ Hoàng tại Trịnh Châu cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Tối ngày 23/1, anh Hoàng liên hệ với thợ khóa sửa chữa tận nhà thông qua ứng dụng dịch vụ.
“Trên điện thoại, họ nói phí mở khóa chỉ khoảng 50 tệ (170 nghìn đồng), nhưng khi đến nơi lại nói rằng khóa chống trộm không mở được và cần phải dùng lực đập bỏ. Người này không nói giá cụ thể nhưng cuối cùng thông báo rằng hóa đơn hết 960 tệ (hơn 3,2 triệu đồng)", anh Hoàng nói.
Phòng tránh nguy cơ
Hiện tượng "sửa nhà lừa đảo" xuất hiện ngày càng nhiều và rất nhiều người dân cho biết họ từng gặp phải trải nghiệm tương tự: khi gọi thợ đến thay đèn, một trang web thông báo chỉ có giá 30 tệ (100 nghìn đồng) nhưng cuối cùng lại tính phí 370 tệ (1,2 triệu đồng); khi hẹn thợ điện đến sửa chữa, họ đã bị "lừa" thay thế cả đường điện, chi phí cho dây điện và công tắc là 9.000 tệ (30 triệu đồng)... Theo phóng viên của CCTV, có tới hơn 3.000 khiếu nại mới đây liên quan đến hạng mục “sửa chữa nhà cửa”, phần lớn liên quan đến những chi phí vô lý.
Liệu Kiến Huân, luật sư tại Công ty luật Quốc Đỉnh tại Quảng Châu, cho biết rằng nhìn chung có hai tình huống xảy ra khi phí sữa nhà cao bất thường: một là quy trình sửa chữa phức tạp hơn dự liệu và chi phí cao hơn, chẳng hạn như chống thấm và chống rò rỉ, nhưng một số doanh nghiệp cố tình đưa ra mức giá thấp trên nền tảng để thu hút khách hàng, hai là bản chất phí dịch vụ bảo trì không cao, nhưng thợ lại nói phóng đại độ khó và thu phí cao.
"Người tiêu dùng không có khả năng đưa ra đánh giá chuyên nghiệp, nhân viên bảo trì không thông báo trước chi phí cụ thể và giá cả không minh bạch. Điều này không chỉ vi phạm quyền được biết của người tiêu dùng mà còn có thể là hành vi gian lận".
Luật sư này tin rằng để giải quyết vấn đề giá sửa chữa cao bất thường, một mặt, nền tảng dịch vụ cần phải chịu trách nhiệm, công khai và minh bạch về giá cả cũng như tôn trọng quyền được biết của người tiêu dùng. Mặt khác, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác điều tra, xử lý để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Đối với người tiêu dùng, luật sư gợi ý rằng trước khi sửa chữa, khách hàng có thể tìm hiểu và so sánh với nhiều bên, cố gắng thương lượng giá cả trước khi sửa chữa và lưu giữ bằng chứng bằng văn bản, giọng nói hoặc hình ảnh. Nếu nghi ngờ bị lừa, người tiêu dùng có thể thương lượng, liên lạc kịp thời với người cung cấp dịch vụ, nền tảng hoặc có thể khiếu nại lên các cơ quan quản lý, giám sát thị trường, đơn vị bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,...
Tham khảo CCTV