Phát triển du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển mạnh mẽ giúp nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam, song Thủ tướng cho rằng vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Bao gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách, số lượng khách quốc tế năm 2023 mới chỉ đạt 70% so với trước dịch; chi tiêu mua sắm còn thấp; liên kết du lịch, quảng bá xúc tiến còn hạn chế...
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu về du lịch
Du lịch còn đối diện với thách thức trước xu hướng toàn cầu hóa, các giá trị mới được thiết lập, giá trị tự nhiên, giá trị sáng tạo và những tác động bất lợi của bất ổn chính trị, xung đột; cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, cùng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan... đòi hỏi ngành du lịch thực sự đổi mới tư duy, cách tiếp cận và cách làm.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch. Tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phát triển du lịch, gắn phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực. Đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch, hình thành chuỗi giá trị du lịch, liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu...
Các địa phương nâng cao vai trò, tháo gỡ vướng mắc cho phát triển du lịch, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ...
Triển khai hiệu quả các mô hình quản trị, hợp tác công - tư trong phát triển du lịch, kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo cho phát triển du lịch bền vững. Bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu triển khai Chương trình hành động du lịch xanh quốc gia. Chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ chân khách du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề...
Áp dụng thủ tục xuất nhập cảnh trực tuyến, mở rộng diện miễn thị thực
Xây dựng đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài; phát huy vai trò của các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người và du lịch Việt Nam.
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Công an đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ và triển khai áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và du lịch an toàn tại Việt Nam.
Chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch.
Xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế; báo cáo Thủ tướng vào quý 2-2024.
Đề xuất các chính sách ưu đãi: về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày.
Mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao.
Thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.
Lượng khách đến Việt Nam trong tháng 11-2023 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2023, nâng tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm trên 11,2 triệu lượt.