Phát hiện hài cốt một phi công người nước ngoài bên xác chiếc máy bay chở hàng của Mỹ rơi cuối làng, một người đàn ông tại thôn Tân Xuân (xã Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị) đã đưa về lập mộ chôn cất rồi hương khói suốt 35 năm qua.
Khi đứng trước ngôi mộ đặc biệt này trong khói hương nghi ngút, bao nỗi đau thương và thù hận của quá khứ chiến tranh như tan biến, chỉ còn lại tình người ấm áp và niềm khoan dung.
Ngôi mộ "quốc tế"
Không ai có thể hình dung ra câu chuyện có phần "giả tưởng" này. Nhưng ông Đào Xuân Duy - người đứng ra lập mộ cho viên phi công nước ngoài thời điểm ấy - lại khiến những điều không tưởng đó thành sự thật.
Dẫn chúng tôi ra khu lăng mộ của gia đình cách nhà gần nửa cây số ngay sau những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, ông Duy cầm theo mấy nén nhang thơm và ít bánh trái. "Cũng sắp đến ngày rằm, nhân tiện ra hương khói cho phần mộ người nước ngoài này cho ấm cúng. 35 năm rồi, họ có là ai thì cũng là quá khứ và chúng tôi cũng đã coi như người thân của gia đình rồi", người đàn ông gần 70 tuổi chia sẻ.
Ngôi mộ đặc biệt này được ông tạm ghi trên bia là quốc tịch Hàn Quốc, kèm phía sau là hai chữ "phi công". Đây là thông tin duy nhất ông biết về gốc gác người này nên ông phải ghi vào bia để nhận diện.
Cơ duyên bắt đầu từ năm 1989. Thời điểm đó bắt đầu có các chương trình tìm kiếm hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh để phía Mỹ quy tập. Một mảnh ký ức ập đến trong đầu ông. Khi ông về làng thì ở cuối làng từng có xác một chiếc máy bay của Mỹ bị bắn rơi. Ông cũng nhớ rõ khi đó người dân còn thấy một thi hài của phi công ở bên cạnh.
"Khi đó chiến tranh bom đạn, lòng hận thù còn sâu nên người dân địa phương không quan tâm, chỉ để tạm thi thể xuống một hố bom gần đó rồi vùi đất lên", ông nhớ lại.
Ông cùng một nhóm cán bộ xã trở lại nơi từng chôn thi hài phi công này. Sau khi đào bới, nhóm ông phát hiện một số xương cốt của người phi công. Ngày đó, căn cứ trên độ dài của xương, ông chỉ đoán đó là người Mỹ.
Ông Duy được giao nhiệm vụ an táng cho bộ hài cốt này. Ông nghĩ đây là phi công Mỹ, sớm muộn gì người Mỹ cũng sẽ đến tìm và cất bốc hài cốt này. Nên toàn bộ xương còn sót lại được ông bỏ vào một hộp nhôm rồi chôn ở chỗ mép đồi, bên ruộng lúa cho dễ nhớ và dễ tìm.
Đến khoảng năm 1994, vẫn chưa có ai đến nhận hài cốt. Gia đình ông Duy đã di dời ngôi mộ đến nằm cạnh mộ chị dâu của ông. Từ đây, ngôi mộ này trở thành một phần của gia đình.
"Không ai nhận thì coi như duyên. Gia đình tôi tự dặn lòng coi phần mộ này như người nhà mình", ông Duy nói.
Chỉ có tình người còn lại
Khoảng từ năm 1998 - 1999, có nhiều đoàn tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) tại Việt Nam đã tìm đến xã Cam Thủy để tìm hiểu thông tin về hài cốt lính Mỹ còn nằm lại trên chiến trường. Ông Duy đã dẫn một số đoàn đến địa điểm máy bay rơi.
Các nhóm MIA vừa xem thực địa vừa chấm tọa độ, xác định thời điểm máy bay rơi, nguồn gốc máy bay. Từ đó, nhóm MIA cho rằng xác phi công không phải là người Mỹ mà có thể là người Hàn Quốc. Máy bay cũng được xác định bị bắn rơi vào khoảng những năm 1968 - 1969. Đây là loại máy bay chở hàng có thể từ Lào về.
Các đoàn MIA của Mỹ đến rồi đi. Còn gia đình anh Duy vẫn làm công việc nghĩa tình của mình là chăm lo, hương khói cho phần mộ của người phi công. Năm 2015, ông còn đưa luôn phần mộ này về nằm gần khu lăng mộ của bố mẹ mình để tiện bề chăm sóc.
Để phần mộ khang trang hơn, ông bỏ tiền thuê người lát gạch rồi xây thành một mộ đá kiên cố cho người phi công. Phía trước, ông lập một bia mộ, trên bia ông ghi là chưa biết tên nhưng ông tạm ghi quốc tịch là Hàn Quốc kèm theo chữ "phi công" để nhận diện. Hài cốt bên trong ông cũng mua tiểu sành để đặt vào cho trang nghiêm.
"Khi đó, có người cũng nhắc đến chuyện lính đánh thuê của Mỹ cũng từng nợ máu với dân Việt. Nhưng họ đã mất rồi. Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi không nghĩ nhiều", ông Duy nói.
Bà Trần Thị Thúy Mai, vợ ông Duy, cũng cùng chồng an táng và hương khói cho phần mộ phi công này 35 năm qua. Bà Mai kể cứ lễ Tết là ông bà làm mâm cúng ra đặt trước mộ, cũng không khác gì mộ cha mẹ mình.
"Họ có thể ở nền văn hóa khác. Nhưng giờ họ đã yên nghỉ ở đây, thì gia đình cũng chăm sóc hương khói theo phong tục địa phương", bà nói.
Bà Mai nói có thể ở quê hương, người thân của phi công này cũng đang mong ngóng ngày tìm được hài cốt người thân mình, nên ông bà vẫn đau đáu việc tìm lại người thân thật sự cho người phi công. Ông Duy từng là bộ đội, sau đó làm chủ tịch rồi bí thư xã. Qua những mối quan hệ, ông luôn tìm kiếm và kết nối thông tin về phi công để người thân họ biết.
"Dù mình xác định chăm sóc hương khói cho người phi công này, nhưng ai cũng có gia đình. Ai cũng có quê hương, cội nguồn tổ tiên để trông về...", ông Duy trầm ngâm.
Thắp lên hy vọng
Thông tin về ngôi mộ này cuối cùng cũng đã được người Hàn Quốc biết đến. Ông Duy kể ngày 15-8-2023, có một đoàn của Đại sứ quán Hàn Quốc gồm bốn người đã trực tiếp tìm về nhà ông. Tại đây, ông đã dẫn đoàn này đến xem ngôi mộ cũng như vị trí xác máy bay năm xưa.
Đoàn này đã chụp ảnh các vị trí rồi rời đi kèm lời hẹn sẽ kiểm tra, đối chiếu các thông tin, sau đó sẽ liên lạc lại với gia đình.
"Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa thấy đoàn này liên lạc trở lại. Có thể việc khớp nối các thông tin từ thời chiến là không dễ dàng. Nhưng dù sao đây cũng là một niềm hy vọng mới cho người phi công có thể tìm được gia đình mình", ông Duy nói.
Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác tìm hài cốt binh sĩ Hàn Quốc
Từ năm 2018, văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam đã có cuộc làm việc với Cơ quan Tìm kiếm và nhận dạng quân nhân mất tích của Hàn Quốc.
Cơ quan chuyên trách hai nước đều bày tỏ mong muốn trong thời gian tới tiếp tục hợp tác sâu hơn, cụ thể hơn, trên diện rộng hơn liên quan tới vấn đề tìm kiếm hài cốt quân nhân Hàn Quốc tử trận tại Việt Nam. Phía Hàn Quốc cho biết sẵn sàng hỗ trợ về mặt công nghệ thông tin, công nghệ tìm kiếm để cùng phía Việt Nam thực hiện việc làm nhân văn, nhân đạo này.
Theo số liệu thống kê, kể từ khi cùng Mỹ tham chiến tại Việt Nam, Hàn Quốc có 5.099 lính thiệt mạng, 14.232 lính bị thương và 4 lính mất tích.
Sáng nay 19-2-2024, sau chưa đầy bốn tháng kể từ ngày khởi công, công trình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm Tổng Chúp chính thức được khánh thành vào đúng kỷ niệm 45 năm chiến tranh biên giới phía Bắc (tháng 2-1979 - tháng 2-2024).