Vì sao tội phạm giết người, cướp tài sản gia tăng?
Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ giết người cướp tài sản, hiếp dâm. Trong đó rất nhiều vụ việc nạn nhân là các cô gái trẻ tuổi và đối tượng gây án cũng còn trẻ tuổi. Vậy đâu là nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa với loại tội phạm này?
Trước hết đánh giá về nguyên nhân thực trạng này, TS. Đặng Văn Cường (giảng viên Luật hình sự, Trường Đại học Thuỷ Lợi) cho rằng, Việt Nam là xã hội đang phát triển, các quan hệ dân sự kinh tế đang diễn ra rất mạnh mẽ. Trong khi đó, thì trình độ nhận thức, ý thức pháp luật của một bộ phận người dân là không cao nên tình hình tội phạm về trật tự xã hội diễn ra khá phổ biến.
Trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ phụ nữ trẻ bị sát hại để cướp tài sản, trong khi tài sản chiếm đoạt không nhiều. Những vụ hiếp dâm, giết người phi tang xác để che giấu hành vi phạm tội xảy ra liên tục.
Đặc biệt, là vụ việc xảy ra trong dịp Tết nguyên đán khiến dư luận xã hội hoang mang và bức xúc. Mỗi vụ án có những nguyên nhân động cơ khác nhau nhưng nhìn chung các đối tượng gây án đều trẻ tuổi, khó khăn về kinh tế, trình độ học thức, văn hóa không cao và có ý thức coi thường pháp luật.
Theo thống kê của Bộ Công an về số vụ án, số bị can bị cáo, tính chất mức độ hành vi phạm tội của nhóm tội phạm về trật tự xã hội cho thấy diễn biến phức tạp, hành vi côn đồ manh động xảy ra nhiều, đặc biệt là tội phạm đang có xu hướng "trẻ hóa" là những vấn đề đáng lo ngại trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.
Những hành vi vi phạm pháp luật này có nguyên nhân sâu xa từ quá trình giáo dục hình thành nhân cách trong suốt một thời tuổi trẻ. Với những đối tượng sống trong gia đình thường xuyên tiếp xúc với bạo lực, không hạnh phúc, bỏ học từ sớm hoặc thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ thì dễ sa ngã, hư hỏng, vì lòng tham mà sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm.
"Đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa, mục đích của các vụ bắt cóc, giết người chủ yếu để cướp tài sản. Điều này có phần nào phản ánh lên lối sống buông thả, coi thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ hiện nay", TS Cường đánh giá.
Trong cuộc sống thì không phải lúc nào cũng thuận lợi, ai cũng có lúc có thể gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về tài chính. Người xưa từng nói: "Người quân tử gặp bước đường cùng thì thu mình giữ chí, còn kẻ tiểu nhân đến bước đường cùng thì quấy phá làm càn".
Với những người có giáo dục, có đạo đức thì khi vào hoàn cảnh khó khăn họ sẽ "thu mình giữ chí", thậm chí người khác muốn giúp đỡ họ cũng có thể từ chối vì sợ phiền, sợ thành gánh nặng cho người khác.
Còn đối với các đối tượng có đạo đức nhân cách thấp kém, tính ích kỷ lòng tham và ý thức coi thường pháp luật thì sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn phương thức để chiếm đoạt tài sản, chiếm và thành quả lao động của người khác, thậm chí sát hại người khác để có được tài sản phục vụ cho mục đích cá nhân.
Ngoài ra, TS. còn cho rằng vấn đề giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ chưa được coi trọng đúng mức, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục pháp luật trong môi trường học đường còn nặng về hình thức.
Bên cạnh đó, nội dung chương trình không phù hợp, thiếu đổi mới sáng tạo dẫn đến không hiệu quả. Nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, phần còn lại là coi thường pháp luật.
Những bài học tự bảo vệ bản thân
Theo TS. Đặng Văn Cường, từ những vụ án mạng vừa xảy ra thời gian vừa qua cho thấy sự cần thiết của việc rút ra những bài học để tự bảo vệ bản thân mình.
Thực tế hiện nay, các mối quan hệ xã hội có thể dễ dàng thiết lập thông qua môi trường internet, nhiều vụ án xảy ra từ từ những mối quan hệ này, do đó nên cẩn trọng với "thế giới ảo", bởi những hình ảnh của 1 người "xây dựng" trên mạng xã hội có thể khác xa bản chất con người đó.
Từ các vụ án cho thấy, hung thủ thường gây án ở những nơi vắng vẻ, do đó, tránh tiếp xúc với người lạ ở thời điểm vắng vẻ, đêm khuya và những nơi nhạy cảm dễ phát sinh các tình huống nguy hiểm.
Cảnh giác với mối quan hệ nam nữ, đặc biệt là thân mật tình cảm với những người mà chưa biết rõ về nhân thân, lai lịch. Thận trọng khi tiếp xúc với những đối tượng đang có khó khăn túng quẫn về tài sản, những đối tượng trong tình trạng nợ nần thua lỗ hoặc đam mê cờ bạc.
Không mang theo tài sản, trang sức hoặc những đồ có giá trị để tiếp xúc với người lạ hoặc đến những nơi vắng vẻ để tránh nguy cơ bị cướp tài sản.
Khi bản thân bị tấn công, bị xâm hại tình dục hoặc đối tượng muốn thực hiện hành vi cướp tài sản thì tùy từng tình huống mà có cách ứng xử phù hợp, bởi mục tiêu cao nhất là bảo toàn tính mạng của bản thân.
Để tránh bị đối tượng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản thì với mỗi tình huống phải có cách ứng xử khéo léo, phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh. Những kỹ năng sống cần phải được rèn luyện trong môi trường học đường và trả trải nghiệm thực tiễn cuộc sống.
Đối với gia đình, khi mất liên lạc với người thân thì cần phải trình báo sự việc ngay với cơ quan chức năng để tìm kiếm, xử lý kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.